- Kinh tế năm 2014 được dự báo kinh tế còn nhiều khó khăn trong khi người dân vẫn canh cánh nỗi lo giá điện cũng như nhiều mặt hàng thiết yếu khác có thể tăng ngay đầu năm. EVN chia sẻ thế nào về điều này?
- Hoạt động của EVN gắn bó chặt chẽ với xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, tập đoàn sẽ thể hiện trách nhiệm xã hội cũng như tham gia chính sách an sinh, phúc lợi thông qua nhiều hành động cụ thể. EVN sẽ tăng cường đầu tư các công trình điện mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống điện hiện có để đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Chúng tôi đảm bảo đủ điện cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất. Ngoài ra, EVN sẽ tiếp tục bán điện cho trên 2 triệu hộ nghèo với mức giá ưu đãi, thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Về vấn đề điều chỉnh giá điện, chúng tôi kêu gọi mọi người dân sử dụng điện an toàn và tiết kiệm. Giá thành điện sẽ giảm nếu như mỗi người dân đều sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
- Nhìn lại những năm qua, cảm giác của ông thế nào mỗi lần tăng giá điện và đều vấp phải nhiều ý kiến trái chiều?
- Mỗi khi tăng giá điện, tôi thường thấy có ba nhóm ý kiến. Trường hợp một, khách hàng chủ yếu là cán bộ trong ngành điện, đồng thuận với việc tăng giá điện do đã hiểu rõ về ngành. Trường hơp thứ hai là khách hàng chỉ chấp nhận việc tăng giá điện khi có lộ trình, họ không đồng tình nếu chúng tôi tăng giá đột ngột.
Trường hợp cuối cùng phức tạp nhất là khách hàng không vui khi phải chi trả thêm một khoản tiền. Họ phản đối tăng giá vì chưa hiểu rõ nguy cơ tiềm ẩn việc thiếu điện nghiêm trọng trong một vài năm tới. Đối với trường hợp này, EVN sẽ tiếp tục giải thích để khách hàng hiểu rõ hơn đặc thù của quá trình sản xuất kinh doanh điện đồng thời, công khai minh bạch giá thành và các yếu tố hình thành nên giá điện.
- Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng EVN chỉ tập trung vào việc xin điều chỉnh giá điện nhưng chưa chú ý đến việc đảm bảo chất lượng điện?
- Tôi nhận thấy đúng là khách hàng đặt vấn đề chất lượng điện lên hàng đầu. Đơn cử, họ muốn điện áp đảm bảo. Thời gian mất điện trong năm, số lần mất điện càng ít càng tốt. Nhưng thực ra, một điều tất yếu là muốn chất lượng điện tốt thì cần phải tốn chi phí đầu tư, cải tạo. Điều này đồng nghĩa với việc không thể có giá điện rẻ được. Trong năm qua, chúng tôi chỉ tăng giá điện một lần duy nhất vào ngày 1/8/2013 với mức tăng 5%. Thực ra, chúng tôi phải rất cân nhắc và có sự chấp thuận của liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính mới được phép tăng.
Trước khi tăng, Tập đoàn phải kiểm tra, rà soát sự biến động của các thông số đầu vào cơ bản bao gồm giá nhiên liệu (giá than, giá khí, giá dầu), tỷ giá và cơ cấu sản lượng điện phát theo các quy định của Chính phủ và Bộ Công Thương. Liên Bộ Công Thương,Tài chính kết hợp với Ủy ban TW MTTQ Việt Nam và Hiệp hội Người tiêu dùng đã tiến hành kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện hàng năm. Với phương thức này, rõ ràng cơ chế điều chỉnh giá điện được thực hiện dưới sự quản lý chặt chẽ của Chính phủ, bộ ngành và các tổ chức chính trị xã hội.
- Vốn điều lệ của EVN lên tới hơn 143.000 tỷ đồng. Vì sao năm nay, EVN chỉ đặt mục tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 1%?
- Năm 2014 Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Khả năng cung ứng điện cho khu vực phía Nam gặp nhiều khó khăn do đó, EVN phải tăng khả năng truyền tải của hệ thống điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Tình hình sản xuất kinh doanh điện còn nhiều rủi ro do sự biến động của yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu đầu vào, tỷ giá hối đoái, cơ cấu sản lượng, chính sách tín dụng, tiền tệ... Bởi vậy, EVN sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối nguồn tài chính.
Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, EVN còn có một nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là tham gia cùng Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục đẩy mạnh công tác an sinh xã hội và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng... Chính vì vậy vấn đề lợi nhuận chưa phải là tiêu chí được đặt lên hàng đầu trong giai đoạn này. Trong năm 2014, EVN chỉ đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh có lợi nhuận.
- EVN vẫn còn hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm. Lộ trình thoái vốn ngoài ngành của EVN đến đâu rồi thưa ông?
- Tổng số vốn góp tại 7 công ty ngoài ngành của EVN tại thời điểm 31/12/2012 là hơn 2.334 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm 31/12/2013, con số này chỉ còn 2.072 tỷ đồng. Thực ra, các khoản đầu tư của EVN vào các công ty ngoài ngành nghề kinh doanh chính như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng về cơ bản đều được bảo toàn và phát triển vốn. Trong năm 2013, EVN đã hoàn thành việc thoái vốn lần 1 tại ABBank và GIC, thu về 278 tỷ đồng. EVN rút toàn bộ vốn tại EVNIC với giá trị là 5 tỷ đồng.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã có Công văn phê duyệt phương án thoái vốn ABS, Land Sài Gòn, Land Miền Trung. EVN đang triển khai thực hiện các thủ tục với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán. Chúng tôi cũng đã trình và đang chờ Bộ Công Thương có ý kiến về phương án giảm vốn của EVN tại EVNFinance (từ 40% vốn điều lệ xuống còn 15%), tương đương với số vốn giảm là 625 tỷ đồng theo hình thức bán đấu giá công khai ra công chúng. Việc thoái vốn sẽ giúp EVN tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, có thêm vốn để đầu tư các dự án điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước.
Hoàng Lan