Cuộc họp báo tổng kết năm 2013 của của Thanh tra Chính phủ ngày 10/1 gây được nhiều chú ý khi có sự hiện diện của Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) - Đinh Quang Tri. Trước đó, kết luận được thanh tra công bố hồi tháng 10 năm ngoái đã cho thấy nhiều vấn đề liên quan đến cách tính giá điện, quản lý tài chính tại tập đoàn này.
Một trong những điểm được dư luận chú ý là việc mua sắm ôtô của EVN. Theo quy định, Tập đoàn chỉ được mua ôtô 2 cầu, giá tối đa là 1,04 tỷ mỗi xe. Nhưng thực tế thanh tra đã chỉ ra việc "nhà đèn" mua 2 xe Toyota Land Cruiser với giá hơn 2,5 tỷ đồng mỗi chiếc, đồng thời tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh chung. Cùng với công ty mẹ, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cũng mua sắm xe công vượt giá quy định 2,2 tỷ khi sắm 6 chiếc Toyota Camry 2.4G cho hoạt động kinh doanh.
Giải thích về vấn đề này tại buổi họp báo, ông Tri cho biết Tập đoàn đã thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính: "Phần trong định mức sẽ được khấu hao vào chi phí, còn phần vượt sẽ lấy lợi nhuận sau thuế để bù vào”, ông Tri cho hay.
Một vấn đề khác cũng gây xôn xao dư luận trong thời gian qua là việc EVN phải vay vốn từ một đơn vị thành viên là Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) với lãi suất cao, trong khi trước đó chính tập đoàn đã cho PPC vay nguồn vốn ODA với lãi thấp.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Quang Tri xác nhận đây là sự việc có thật, đã xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, theo giải thích của lãnh đạo EVN, đây là 2 khoản vay có tính chất khác nhau, sinh ra do quá trình cổ phần hóa Nhiệt điện Phả Lại.
Cụ thể, nguồn vốn ODA nêu trên thực chất được Chính phủ cho EVN vay lại để đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2, sau khi đi vay của Nhật Bản. Tại thời điểm đó, PPC chưa cổ phần hóa, hạch toán phụ thuộc vào EVN nên đây được coi là khoản đầu tư của Tập đoàn Điện lực vào công ty con.
Đến khi Nhiệt điện Phả Lại chuyển đổi mô hình, EVN từng đề xuất chuyển khoản tiền này để Bộ Tài chính trực tiếp cho vay. Tuy nhiên cơ quan quản lý yêu cầu Tập đoàn điện lực tiếp tục là đầu mối để thuận lợi cho công tác quản lý. Bản chất của khoản tiền do đó chuyển từ đầu tư sang cho vay. Tuy vậy, do là vốn ODA nên khoản vay có lãi suất thấp và thời gian thanh toán kéo dài.
Ngược lại, nguồn vốn mà Nhiệt điện Phả Lại cho EVN vay sau này lại đến từ nguồn thu tăng vọt của PPC sau khi cổ phần hóa. Do lãi lớn trong những năm thiếu điện (EVN phải tăng mua điện từ doanh nghiệp này), lại chỉ phải chịu áp lực trả nợ thấp hàng năm nên PPC có nguồn vốn lớn, trong khi EVN lại cần tiền để đầu tư các dự án khác. Thực tế này đã dẫn tới thỏa thuận vay lại của Tập đoàn Điện lực với Nhiệt điện Phả Lại. Tuy nhiên, do PPC hiện đã là công ty cổ phần, phải đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nên lãi suất vay lại phải căn cứ trên lãi nhà băng.
"Mặc dù vay với lãi suất thỏa thuận nhưng tính ra, lãi suất EVN vay để đầu tư dự án mới từ PPC vẫn rẻ hơn ngân hàng”, ông Tri giải thích. Trước đó, Phó tổng thanh tra Chính phủ - Ngô Văn Khánh cũng xác nhận các quan hệ tín dụng nêu trên không có sai phạm.
Xung quanh những thắc mắc về lương thưởng tại tập đoàn, ông Đinh Quang Tri cho hay, lương của lãnh đạo EVN bao gồm HĐQT và Tổng giám đốc, căn cứ theo hệ số và đã được Bộ lao động Thương binh xã hội phê duyệt. Mức lương của hội đồng thành viên cũng không được vượt quá 36 triệu đồng mỗi tháng. “Nêu tính tối đa hệ số 0,5 nữa thì lương chỉ khoảng 54 triệu đồng thôi. Chúng tôi làm đúng theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Lao động thương binh và xã hội”, ông Tri cam kết.
Hoàng Lan