Tại cuộc họp về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN tổ chức ngày 4/1, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những nỗ lực của ngành điện như cung cấp đủ điện cho cả nước, khởi công nhiều dự án quan trọng, bắt đầu có điện dự phòng. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều mặt hạn chế của tập đoàn.
EVN cho biết, năm nay "nhà đèn" đặt ra chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 1%. Trao đổi với VnExpress.net bên hành lang hội nghị, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN Phạm Lê Thanh lý giải: "Chỉ đặt thế thôi vì giá điện hiện như thế và năm nay Tập đoàn còn không biết phát bao nhiêu dầu".
Chưa hài lòng với con số 1%, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá: "1% là gì? 1% là không làm được gì cả. Chuẩn mực của thế giới là 7-12%, 7% đã là hết sức khó khăn trong chuyện giao tiếp với ngân hàng rồi".
Theo báo cáo mới nhất, doanh thu bán điện của EVN năm 2012 đạt gần 144.000 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện và các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá bán lẻ điện đến 31/12/2012 gần 20.000 tỷ đồng. Trong đó, lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện hơn 4.700 tỷ đồng. Riêng sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2012 lãi khoảng 4.404 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng cho rằng, với mức lãi do sản xuất kinh doanh điện hơn 4.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận của EVN mới chỉ đạt 2,5%. Cho rằng, mức tỷ suất lợi nhuận này chưa làm Tập đoàn Điện lực phát triển tốt, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN phải cân bằng lại nguồn vốn.
Theo Phó Thủ tướng, vấn đề đặt ra cốt lõi với EVN là phải phát triển bền vững. "Nếu vận hành trong tình trạng ‘'lỗ thường xuyên', 'lỗ ổn định', tất cả các chuẩn mực của EVN sẽ giảm, đồng thời, chất lượng quản lý cũng như sản xuất kinh doanh của ngành điện sẽ bị xói mòn", Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Giá bán điện bình quân của Tập đoàn năm 2013 ước đạt 1.498,8 đồng mỗi kWh, tăng 134,5 đồng so với năm 2012. Mức giá bán điện bình quân của 5 tổng công ty cũng tăng 6,22 đồng mỗi kWh so với kế hoạch năm. EVN khẳng định, việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở gần 180 xã, bán điện trực tiếp đến hơn 200.000 hộ dân khiến giá bán điện bình quân tăng từng khu vực 200-300 đồng mỗi kWh đã đóng góp nâng giá bán điện bình quân của toàn tập đoàn.
Một lần nữa, trong báo cáo công bố ngày 4/1, EVN lại kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, sau rất nhiều lần đề xuất tại không ít các cuộc họp.
Thừa nhận giá bán điện hiện nay dù thấp hơn giá thành nhưng Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tái khẳng định, so với thu nhập của người dân, giá điện không còn rẻ nữa. Lời nhận định này của Phó thủ tướng từng được đưa ra cách đây một năm kể từ khi EVN tăng giá điện lên 5% vào cuối năm 2012.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, điều quan trọng nhất đối với EVN lúc này là phải quan tâm tới chất lượng ngành điện. Dù đáp ứng đủ điện cho cả nước nhưng chất lượng một số nơi chưa đảm bảo. Theo Phó Thủ tướng, đã đến lúc toàn ngành cần quán triệt, bên cạnh viêc định hướng tất yếu theo giá thị trường, EVN cần tập trung cho việc tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp theo hướng tối ưu với mục tiêu hướng tới khách hàng.
"Giá điện người ta chấp nhận nhưng chất lượng có lên không? Khách hàng rất vị tha, không cần một ngày bằng người này, người kia nhưng phải có tiến bộ. Khách hàng cần những dịch vụ tương xứng với một giá điện cạnh tranh, minh bạch", Phó Thủ tướng thẳng thắn.
Tập đoàn Điện lực VN khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cam kết sẽ thực hiện các giải pháp để giảm giá thành sản xuất, truyền tải và phân phối điện, đồng thời thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ điện trong năm.
Hoàng Lan