Chiều 20/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến việc thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - liên minh châu Âu (EVFTA) và Bảo hộ đầu tư Việt Nam - liên minh châu Âu và các nước thành viên (EVIPA).
Góp ý về EVFTA, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), người đang là Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, EVFTA như đường cao tốc nối Việt Nam với EU, thị trường quy mô GDP 15.000 tỷ USD, giúp Việt Nam có cơ hội hiện thực hoá những kỳ vọng bứt phá của thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch. "Nhưng EVFTA không phải đường cao tốc miễn phí, mà chúng ta sẽ phải trả phí", ông Lộc nói.
Phí phải trả, theo ông, từ phía Chính phủ là bằng cách đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thể chế, chất lượng nguồn nhân lực. Ở góc độ doanh nghiệp, "phí" là việc nâng cấp quản trị, đầu tư thay đổi nguồn cung, chuỗi sản xuất, qua đó đáp ứng các yêu cầu quy tắc xuất xứ của hiệp định. Vì thế, việc Quốc hội phê chuẩn hiệp định cũng là bấm nút thông xe cho con đường cao tốc này, nhưng thông xe mới chỉ mở lối đi và còn rất nhiều việc phải làm.
Trong khi đó, ông Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) thì lưu ý hai vấn đề lớn nếu Việt Nam muốn trở thành nước phát triển, tận dụng các cơ hội từ EVFTA. Trước tiên, Việt Nam phải có bước phát triển nhất định trong cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam phải có đủ năng lực đối diện với nguy cơ phi truyền thống như Covid-19.
Vị đại biểu TP HCM nói thêm, hiệp định này là thời cơ vàng cho kinh tế Việt Nam. Thời cơ đến, nhưng có tận dụng, biến nó thành hiện thực hay không lại là vấn đề khác.
"EVFTA có hiệu lực mới bắt đầu cuộc đua chứ không phải bắt đầu bữa tiệc. Nếu không thành công, chúng ta vẫn có thể tụt hậu. Việt Nam có thể ách tắc trong bẫy thu nhập trung bình và khi đó, với các hiệp định này, tiệc thì người khác ăn còn nợ thì chúng ta phải gánh", ông Nghĩa nhấn mạnh. Đồng thời ông nhắc tới sự thay đổi thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để thích ứng với cuộc chơi mới.
Ở khía cạnh này, ông Vũ Tiến Lộc tỏ ý sốt ruột khi Chính phủ đã có kế hoạch sửa một số luật, nội luật hoá những cam kết của hiệp định nhưng vẫn còn khá chậm.
Dẫn kết quả rà soát của Chính phủ, ông Lộc cho rằng, số lượng không nhỏ các văn bản pháp luật cần xây dựng, sửa đổi. Nhưng thực tế, nhiều văn bản chậm trễ ban hành, sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa hài hoà. Ông ví dụ, bài học thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực hơn một năm qua, nhưng tới giờ các văn bản hướng dẫn thực thi vẫn lỡ hẹn.
"Phải đẩy nhanh quá trình sửa đổi, điều chỉnh các văn bản luật để bảo đảm thực thi theo quy trình một luật sửa nhiều luật, chứ không nhất thiết phải chờ sửa đổi từng bộ luật", ông gợi ý.
Ngoài củng cố thể chế, vị đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng, Chính phủ cũng cần đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động và dân cư... để ứng phó với những thay đổi không mong muốn từ EVFTA.
Còn ông Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhìn nhận, bản kế hoạch thực thi EVFTA của Chính phủ mới tạo sân chơi hấp dẫn cho những doanh nghiệp "khỏe", đủ năng lực, còn với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cơ hội chưa rộng mở.
Ông cho rằng, Chính phủ cần xác định hàng hóa, mặt hàng xuất khẩu nào của Việt Nam có thế mạnh vào EU, từ đó xây dựng kế hoạch, chính sách giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của khu vực này. Theo ông Cường, hành động sớm thì hàng hoá Việt Nam càng có cơ hội cao hơn, đủ lực "tự tạo tấm vé" vào sân chơi EU.
Theo dự kiến, Quốc hội biểu quyết thông qua EVFTA và EVIPA vào ngày 28/5 tới.
Anh Minh