Trình Quốc hội thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - liên minh châu Âu (EVFTA) tại phiên khai mạc kỳ họp 9, sáng 20/5, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, EVFTA sẽ tác động tích cực, tạo cơ hội cho thương mại hai chiều, đầu tư từ EU vào Việt Nam và ngược lại.
Theo bà, thách thức không nhỏ với kinh tế Việt Nam là sức ép cạnh tranh hàng hoá và dịch vụ từ EU. Hiệp định này gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi thương mại... vừa là thách thức, vừa là cơ hội Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách thủ tục hành chính.
Ngoài ra, các cam kết về lao động trong hiệp định cho phép lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc lập nhóm tư vấn trong nước với sự tham gia của đại diện người lao động, doanh nghiệp, nhà khoa học và các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam. Điều này có thể làm gia tăng sức ép xã hội, xảy ra tranh chấp lao động quốc tế và tác động tiêu cực ảnh hưởng đến an ninh, trật tự quốc gia trong quá trình thực thi hiệp định.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động của hiệp định sau đại dịch, nhất là khó khăn, thách thức do Covid-19 ảnh hưởng tới chính trị, kinh tế, thương mại, nhất là tăng trưởng GDP, thu ngân sách, cơ cấu ngành, thu hẹp thị trường, giảm việc làm.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ làm rõ cam kết các biện pháp phi thuế quan trong lĩnh vực dược phẩm trang thiết bị y tế; việc mở cửa cho nhà thầu EU tham gia các gói thầu cung cấp thuốc; Anh rời EU có ảnh hưởng ra sao tới các cam kết của hiệp định...
Giải trình thêm, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói, EVFTA là cơ hội để doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau Covid-19. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do Covid-19. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
Ông cho hay, Chính phủ dự kiến sẽ đánh giá định lượng tác động hiệp định này gắn với bối cảnh dịch bệnh, dự báo các xu hướng phát triển kinh tế quốc tế... trong kế hoạch thực thi EVFTA sau khi hiệp định có hiệu lực.
Theo đánh giá của Chính phủ, hiệp định này sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 2,18-3,25% trong 5 năm đầu thực thi; 4,57-5,3% cho 5 năm tiếp theo và 7,07-7,72% trong 5 năm sau đó. EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Thông qua hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.
Những cam kết mở cửa thị trường của EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang EU tăng thêm gần 43% vào 2025, 44,4% vào 2030, tập trung vào nông sản (gạo, đường, thịt heo, lâm sản...); chế biến, chế tạo (dệt may, da giày); dịch vụ (hàng không, tài chính, bảo hiểm).
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào 2025, và 36,7% vào 2030. EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có thể là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.
Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Hiệp định này cũng dự kiến làm giảm thu từ thuế xuất khẩu, nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng, nhưng thu từ nội địa lại tăng khoảng 7.000 tỷ đồng giai đoạn 2020-2030.
Về việc Anh rời EU, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thông tin, khi EVFTA được ký kết, Anh vẫn là thành viên của EU và được coi là bên tham gia ký kết cùng Việt Nam. Theo thỏa thuận Brexit, Anh sẽ có "giai đoạn chuyển tiếp" trước khi chính thức rời khỏi EU, nên khi EVFTA có hiệu lực, thực thi trong giai đoạn chuyển tiếp thì Anh vẫn được hưởng các cam kết Việt Nam dành cho EU trong khuôn khổ EVFTA và ngược lại.
Việc tiếp tục duy trì quan hệ thương mại tự do với Anh sau khi nước này rời khỏi EU sẽ góp phần củng cố và tăng cường trao đổi thương mại song phương khi Anh đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại thị trường châu Âu với tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại bình quân là 17,8% một năm.
Vì thế, ông Tuấn Anh kiến nghị Quốc hội khi phê chuẩn EVFTA thì cũng đồng ý áp dụng hiệp định EVFTA đối với Anh cho tới hết giai đoạn chuyển đổi 31/12/2020, và có thể gia hạn tới 24 tháng. Sau thời gian chuyển đổi, để tránh bị gián đoạn thương mại, các cơ quan liên quan của Việt Nam và Anh đã thảo luận về khả năng hai bên đàm phán và ký kết một hiệp định thương mại tự do trên cơ sở kế thừa của EVFTA.
Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn EVFTA, có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai, sau khi các bên thông báo cho nhau việc hoàn thành các thủ tục pháp lý. Tại phiên làm việc chiều nay (20/5) Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về thông qua hiệp định này và dự kiến biểu quyết thông qua vào ngày 28/5.
Anh Minh