Đề nghị này được ông Jean Jacques Bouflet, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu tại đối thoại và ra mắt Sách trắng EuroCham 2021, ngày 25/11.
Theo Phó chủ tịch EuroCham, ôtô điện là giải pháp chiến lược giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại các thành phố. Vì thế, Chính phủ nên có các ưu đãi về thuế, phí với loại hình phương tiện này.
Một trong số ưu đãi được ông Jean Jacques Bouflet nhắc tới là giảm 50% phí trước bạ với ôtô điện trong 3-5 năm. Chính sách này theo ông cần được áp dụng với cả xe nhập khẩu nguyên chiếc, thay vì chỉ áp dụng với xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Ngoài ra, đại diện từ EuroCham đề nghị nhà chức trách lấy giá bán phiên bản sản xuất hàng loạt là cơ sở làm giá tính lệ phí trước bạ.
Đây là chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất xe ôtô điện chạy pin, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại xe này theo Luật Bảo vệ môi trường.
"Việc này sẽ giúp đẩy nhanh mức độ chấp nhận ôtô điện với người tiêu dùng Việt Nam", ông Jean Jacques Bouflet nói.
Trước đó, theo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 140 của Chính phủ về lệ phí trước bạ đang được Bộ Tài chính hoàn thiện, phí trước bạ với ôtô điện sẽ được miễn phí trong 3 năm đầu. Chính sách này nhận được sự đồng thuận từ các bộ, ngành. Mức thu trong hai năm tiếp theo là 50% so với ôtô chạy xăng, dầu cùng loại.
Hiện ở trong nước mới chỉ có Vinfast là doanh nghiệp duy nhất sản xuất xe ôtô điện chạy pin, với công suất sản xuất, lắp ráp 250.000 xe một năm. Vào giữa tháng 5, Tập đoàn Vingroup đề xuất tại cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành thí điểm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với loại này.
Liên quan tới việc cấm xe máy vào khu vực trung tâm các thành phố lớn từ năm 2030, Phó chủ tịch EuroCham cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc lựa chọn biện pháp hiệu quả hơn.
"Thay vì cấm xe máy vào khu vực nội đô từ năm 2030 để giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm hay tai nạn giao thông, chính quyền cần tập trung nâng cao chất lượng phương tiện lưu thông, hơn là hạn chế số lượng", ông nói.
EuroCham cũng đề nghị Chính phủ không áp đặt hoặc giảm tỷ lệ bắt buộc thu hồi xe máy cũ để tái chế về 0%, cho tới khi ban hành định nghĩa rõ ràng thế nào là xe máy bỏ đi và có chính sách khuyến khích người sử dụng xe máy cũ, bởi "xe máy cũ cũng là tài sản của người dân".
Thu hồi xe máy cũ là câu chuyện dùng dằng bàn đi bàn lại mãi đã nhiều năm mà vẫn chưa làm được. Hà Nội là một trong số thành phố có số lượng xe máy lớn, khoảng 6 triệu xe, trong đó một nửa xe máy cũ đăng ký trước năm 2000.
Để giảm thiểu khí thải từ xe máy cũ, chính quyền thành phố Hà Nội có kế hoạch đo đếm khí thải xe máy cũ trong thời gian tháng 9/2021 đến tháng 6/2022. Người dân nếu thải bỏ xe máy cũ, chuyển sang xe máy mới sẽ được hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng một chiếc.
Anh Minh