Bộ Tài chính vừa công bố bảng tổng hợp ý kiến các bộ ngành, địa phương về dự án sửa đổi, bổ sung Nghị định 140 về lệ phí trước bạ.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường... đồng thuận đề xuất không thu lệ phí trước bạ với ôtô điện chạy pin.
Theo lý giải của các bộ, ôtô điện ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu, chưa phát triển mạnh nên cần khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và người dân dùng loại xe này để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị miễn ba năm đầu lệ phí trước bạ, giảm 30% cho ba năm tiếp theo. Lộ trình này có thể thay đổi hoặc điều chỉnh phù hợp với điều hành ngân sách quốc gia.
Cùng đề xuất mức thu 0% với ôtô điện, Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) cho biết, đây là loại phương tiện giao thông được ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Những chính sách ưu đãi với ôtô điện theo VCCI vừa góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường, phù hợp với các cam kết của Việt Nam, vừa thúc đẩy ngành công nghiệp tiềm năng đúng định hướng phát triển công nghiệp quốc gia.
Lượng xe điện ở Việt Nam đang chiếm tỷ trọng rất nhỏ và cần được khuyến khích. Số thu hụt từ thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ sẽ được bù đắp bằng tăng thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh loại xe này, theo VCCI.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, Bộ Tài chính cho biết đã hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng mức lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô điện là 0% trong 3 năm từ khi nghị định có hiệu lực. Mức thu trong hai năm tiếp theo là 50% so với ôtô chạy xăng, dầu cùng loại.
Trong dự thảo nghị định trước đó, Bộ Tài chính đề xuất mức thu lệ phí trước bạ ôtô điện bằng một nửa so với xe chạy xăng, dầu cùng chỗ ngồi, áp dụng trong 5 năm.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị nghiên cứu thêm đối tượng là xe hybrid, xe hybrid sạc ngoài thuần điện, xe điện sử dụng nhiên liệu hydro để có chính sách khuyến khích theo từng mức độ và đảm bảo bình đẳng trong chính sách.
Bộ Tài chính cho biết, xe điện gồm 4 dòng chính là xe hybrid (HEV), xe hybrid sạc ngoài (PHEV), xe điện chạy pin (BEV) và xe điện nhiên liệu Hydro (FCEV). Trong đó, hai loại xe hybrid và xe hybrid sạc ngoài vẫn di chuyển chủ yếu bằng động cơ đốt trong, gây ô nhiễm môi trường như các loại xe chạy bằng xăng khác.
Xe điện nhiên liệu hydro có ưu thế lớn so với ôtô điện chạy pin khi thời gian tiếp nhiên liệu ngắn, nhưng khi nạp cần có các trạm tiếp nhiên liệu, ngoài ra cũng cần các nhân lực kỹ thuật cao để đảm bảo an toàn cho việc tiếp nhiên liệu.
Theo Bộ Tài chính, nhìn chung, các dòng ôtô điện chưa phổ biến và mới bắt đầu có nhập khẩu vài năm gần đây. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam ước tính đến hết năm 2020, số ôtô điện chạy pin bán ra trên thị trường khoảng trên 130 chiếc, còn lại là các loại xe hybrid và toàn bộ là nhập khẩu. Vì thế, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp ôtô điện chạy pin nếu có chính sách hỗ trợ ưu đãi phù hợp và có doanh nghiệp đầu tư bài bản, đồng bộ.
Hiện nay trong nước mới chỉ có doanh nghiệp duy nhất sản xuất ôtô điện chạy pin là VinFast với công suất sản xuất, lắp ráp 250.000 xe một năm. Vào giữa tháng 5, Tập đoàn Vingroup đề xuất tại cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành thí điểm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với loại này.
Cuối tháng 3 năm nay, VinFast công bố nhận đặt hàng mẫu ôtô điện đầu tiên VF e34 với giá ưu đãi mở bán là 590 triệu đồng (giảm 100 triệu đồng so với giá bán dự kiến). Những chiếc ôtô điện đầu tiên do tập đoàn này sản xuất sẽ bàn giao cho khách hàng vào tháng 11 năm nay.
Quỳnh Trang