"Người ta không thể tưởng tượng rằng hàng triệu tấn lúa mì vẫn bị chặn ở Ukraine, trong khi mọi người ở những nơi còn lại trên thế giới phải chịu cơn đói. Đây là tội ác chiến tranh thật sự", đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 20/6 nói trong cuộc họp của ngoại trưởng các nước thành viên liên minh.
Phương Tây yêu cầu Nga ngừng phong tỏa các cảng ven Biển Đen của Ukraine để cho phép số ngũ cốc khổng lồ được đưa ra thị trường thế giới, trong lúc lo ngại về nạn đói ở các khu vực dễ bị tổn thương gia tăng.
EU cũng ủng hộ các nỗ lực của Liên Hợp Quốc làm trung gian cho thỏa thuận giữa Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề, song chưa đạt được bước tiến nào.
Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, cùng ngày đổ lỗi cho "lập trường phá hoại của phương Tây" khiến giá ngũ cốc tăng vọt.
"Liên quan đến nguy cơ xảy ra nạn đói, ngày càng nhiều chuyên gia nghiêng về kịch bản bi quan và đó là lỗi của các chính quyền phương Tây với hành động khiêu khích và phá hoại", bà Zakharova cho biết.
Bà Zakharova khẳng định phương Tây mắc phải "những sai lầm mang tính hệ thống trong hoạch định chính sách nông nghiệp" và gây ra lạm phát toàn cầu "bằng những cơ chế tài chính và tiền tệ thiển cận" được đưa ra trong đại dịch Covid-19.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nhận định "các hạn chế bất hợp pháp của phương Tây nhằm vào Nga" từ khi nước này phát động chiến dịch tại Ukraine làm gián đoạn tài chính và chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với xuất khẩu ngũ cốc.
Trong khi đó, EU cho rằng các lệnh cấm vận nhằm vào Nga không gây ra tình trạng thiếu hụt ngũ cốc và làm giá cả mặt hàng này tăng cao ở châu Phi, Trung Đông.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt của châu Âu không gây ra cuộc khủng hoảng này. Các lệnh trừng phạt của chúng tôi không nhằm vào thực phẩm và phân bón. Vấn đề xuất phát từ việc Nga phong tỏa ngũ cốc Ukraine", ông Borrell nói.
Ukraine đang nỗ lực tìm các tuyến đường mới để xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt ở nước này. Kiev cáo buộc hải quân Nga phong tỏa các cảng ở Biển Đen, trong khi Moskva cũng cho rằng Ukraine rải nhiều thủy lôi ở khu vực, ngăn tàu hàng ra vào. Hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen bị đình trệ, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Trước xung đột, Ukraine là nhà sản xuất dầu hướng dương và xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói Ukraine hiện xuất khẩu hơn 2 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng bằng đường sắt, nhưng con số này thấp hơn nhiều những gì nước này xuất khẩu qua các cảng, đặc biệt là Odessa, trước xung đột.
Liên Hợp Quốc và một số quốc gia như Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy mở "hành lang an ninh" ở Biển Đen để cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu của Ukraine.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)