Tháng 2, chiến dịch tiêm chủng ở châu Âu diễn ra chậm chạp, mọi thứ dần trở nên tồi tệ, nhất là đối với bà Ursula von der Leyen.
Phần lớn lục địa rơi vào tình trạng bế tắc. Người dân tử vong hàng ngày vì Covid-19. Lượng vaccine cạn kiệt vì nhà cung cấp lớn nhất, AstraZeneca, thông báo các vấn đề về sản xuất. Chuyên gia trong và ngoài Liên minh châu Âu đặt câu hỏi về khả năng lãnh đạo của von der Leyen, cáo buộc bà mắc sai lầm khi xử lý khủng hoảng.
Chính thời điểm đó, bà nảy ra ý tưởng mới cho chiến dịch tiêm chủng chậm chạp.
Suốt một tháng, bà liên tục gọi điện với giám đốc điều hành hãng dược Pfizer, ông Albert Bourla, đơn vị cung cấp vaccine khác cho toàn khối. Sau các cuộc trò chuyện, có hai điều sáng tỏ. Pfizer có cực nhiều vaccine dành cho cho EU. Toàn khối cũng rất vui mừng khi nhận thêm nguồn cung từ hãng.
Chính sách ngoại giao cá nhân này đóng vai trò lớn trong thỏa thuận cuối tháng 4. EU mua thành công 1,8 tỷ liều vaccine Pfizer-BioNTech. Hãng giao trước 900 triệu liều từ nay đến năm 2023. 900 triệu liều còn lại được giao tùy tình hình lục địa.
"Tôi tin rằng chúng tôi sẽ đi cùng nhau thời gian dài", von der Leyen nói.
Thỏa thuận khiến EU trở thành khách hàng lớn nhất của Pfizer đến nay. Trước đó, công ty bán 300 triệu liều vaccine cho Mỹ. EU có thể bán lại hoặc tặng vaccine cho đối tác, tiến hành ngoại giao vaccine và hỗ trợ các nền kinh tế nhỏ hơn đang chật vật tiêm chủng.
Năm ngoái, EU đặt trước 200 triệu liều vaccine Pfizer. Tháng 1 năm nay, ông Bourla lần đầu kết nối với bà von der Leyen để thông báo công ty tạm thời cắt nguồn cung và nâng cấp các cơ sở sản xuất ở Bỉ. Hai người giữ liên lạc trong suốt thời gian đó, khi dịch bệnh hoành hành khắp châu Âu.
Pfizer nỗ lực đẩy mạnh sản xuất. Để nâng cao năng lực, giám đốc thương mại của BioNTech, ông Sean Marett, ký quyết định mua lại một nhà máy mới ở Đức. Cuối tháng 3, khi nhà máy được cấp phép, 11 triệu liều vaccine mới chuyển đến châu Âu.
Từ các cuộc gọi giữa bà von der Leyen và ông Bourla, hàng loạt thỏa thuận ra đời. Ngày 17/2, EU đặt hàng 200 triệu liều vaccine. Đến 19/4, khối nhận thêm 100 triệu liều khác.
Người đứng đầu Uỷ ban châu Âu bày tỏ tin tưởng mọi thứ sẽ được cải thiện. Bà nói: "Tôi biết việc giao hàng ban đầu sẽ chậm chạp, cũng hiểu rằng quý một sẽ gặp trở ngại. Song tôi không nghĩ mọi thứ khó khăn đến vậy, rằng AstraZeneca sẽ giảm tới 75% lượng vaccine giao đến. Đó là thất bại nặng nề".
Bourla cho biết giữa ông và bà von der Leyen đã "phát triển lòng tin sâu sắc thông qua thảo luận kỹ lưỡng".
"Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới liên hệ với tôi, từ tổng thống, thủ tướng, các vị vua, tổng thư ký từ nhiều tổ chức. Song bà Leyen biết chi tiết về các biến thể, về mọi thứ. Điều này khiến các cuộc trao đổi chặt chẽ hơn", ông nói.
EU vẫn tiếp tục chạy đua tiêm chủng cho người dân. Đến nay, toàn khối đã tiêm ít nhất một liều vaccine cho hơn 30% dân số, trong đó hơn 60 triệu người được tiêm đủ hai liều. EU vẫn chậm chân hơn Anh, nơi hơn một nửa dân số đã tiêm vaccine.
Song EU đã bù đắp lượng vaccine thiếu hụt từ AstraZeneca. Khối đang kiện hãng vì không giao hàng đúng với thỏa thuận trước đó. EU cũng là một trong những nhà sản xuất, xuất khẩu vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới, đã vận chuyển 159 triệu liều đến 87 quốc gia kể từ tháng 12.
Pfizer không chỉ phân phối cho EU vaccine thành phẩm. Trong tương lai, hãng sẽ chuyển 280 thành phần tạo ra vaccine đến khu vực này.
Tháng 4, EU cung cấp cho tạp chí Times một bản thống kê số lượng vaccine cần thiết trong các kịch bản dịch bệnh khác nhau, không phải tất cả đều là vaccine Pfizer. Theo đó, khối có thể cần tới 510 triệu liều tăng cường vào năm 2022 và 2023.
Theo ông Bourla, vaccine dự kiến cần tiêm nhắc lại sau 6 đến 12 tháng. Chuyên gia y tế công cộng chưa đưa ra ý kiến về điều này. Trong thống kê, EU cần tổng cộng 640 triệu liều vaccine cho người lớn. 130 triệu liều cho trẻ em vào năm 2022 và 65 triệu liều bổ sung vào năm 2023.
Thoả thuận có rủi ro và nhận một số chỉ trích. Các chuyên gia lo ngại EU phụ thuộc quá nhiều vào Pfizer, sẽ gặp vấn đề lớn nếu khâu sản xuất của hãng có trục trặc.
Giáo sư Peter Piot, chuyên gia vi sinh vật, cố vấn của bà von der Leyen, nhận định: "Tôi sẽ thận trọng với quyết định chỉ sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech. Về mặt khoa học, rủi ro là quá cao".
Dù vậy, ông lưu ý vaccine theo công nghệ mRNA đến nay hoạt động tốt. Bà von der Leyen cho biết EU vẫn có thể mua vaccine từ các công ty khác. Khối đang theo dõi vaccine protein do Novavax và Sanofi sản xuất, vaccine mRNA từ Moderna và vaccine vector virus của Johnson & Johnson.
Vaccine Pfizer có giá cao. EU không tiết lộ chi tiết tài chính của thoả thuận mới, song hợp đồng trước đó định giá 19 USD cho một liều. Đây là loại vaccine Covid-19 đắt thứ hai khu vực, sau Moderna.
Mỗi nước thành viên có quyền quyết định kế hoạch phân bổ vaccine, bán hoặc tặng lại cho các quốc gia khác. Họ cũng được tự do thỏa thuận song phương với các hãng dược khác trong tương lai.
Thỏa thuận của EU không đề cập đến vấn đề bản quyền hoặc chuyển giao công nghệ vaccine. Trong bối cảnh Ấn Độ đang trải qua đợt bùng phát thảm khốc, phần lớn dân số thế giới còn cách viễn cảnh miễn dịch cộng đồng rất xa. Bà von der Leyen cho biết EU sẵn lòng giúp đỡ nước đang phát triển, song thực tế cho thấy nước giàu vẫn đứng đầu trong cuộc đua giành vaccine.
Siddartha Sankar Datta, một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới ở châu Âu, lo ngại thỏa thuận sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu.
"Theo tôi, về mấu chốt, tiếp cận vaccine không nên trở thành đặc quyền của các nước có sức mua lớn. Khi nhiều quốc gia nỗ lực thực hiện chương trình tiêm chủng, chúng tôi vẫn cố gắng đảm bảo quyền mua vaccine công bằng", ông nói.
Tuy nhiên, đối với bà von der Leyen và EU, thỏa thuận với Pfizer mang lại cơ hội khắc phục sai lầm trước đó.
Thục Linh (Theo NY Times)