Kho dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt 55,7% công suất vào đầu tháng này, mức cao nhất vào cùng thời điểm kể từ năm 2011, theo Cơ quan Hạ tầng Khí đốt châu Âu. Mức này cao hơn khoảng 20% so với trung bình 5 năm trước và tăng lên 56,5% trong hai tuần qua.
"Các kho chứa khí đốt của EU đã được lấp đầy hơn một nửa, điều đó có nghĩa chúng tôi đã kết thúc mùa cần sưởi ấm mà vẫn duy trì được trạng thái tốt", ủy viên năng lượng EU Kadri Simson nói, nhấn mạnh khối hiện có triển vọng lớn để cắt khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập từ Nga.
"Bằng cách tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và đa dạng hóa nguồn năng lượng, một số quốc gia thành viên EU đã có thể loại bỏ hoàn toàn LNG Nga", Simson nói thêm.
Năm ngoái, khi Nga hạn chế nguồn cung khí đốt qua đường ống để đáp trả loạt lệnh trừng phạt của phương Tây, EU bắt đầu gấp rút tăng nhập khẩu LNG từ khắp nơi trên thế giới để nhanh chóng lấp đầy kho dự trữ cho mùa đông.
Lượng nhập khẩu LNG từ Nga của EU đạt 22,1 tỷ mét khối vào năm ngoái, tăng 39% so với năm 2021 và chiếm 16% tổng lượng nhập khẩu bằng đường biển của năm, theo công ty dữ liệu Refinitiv.
Việc tăng nhập khẩu LNG từ Nga đã giúp kho dự trữ khí đốt của EU không cạn kiệt vào mùa đông.
"Thay vì thiếu khí đốt, EU có vẻ sẽ dư dả vào mùa hè này", Natasha Fielding, người đứng đầu bộ phận định giá khí đốt của châu Âu tại công ty dữ liệu công nghiệp Argus Media, cho hay.
Ủy ban châu Âu đặt mục tiêu dự trữ khí đốt ở mức 90% trước khi sang tháng 11, nhưng Fielding cho rằng EU có thể đạt mục tiêu này vào tháng 7 hoặc tháng 8.
Trái ngược với dầu thô và các sản phẩm hóa dầu, khí đốt Nga, từng chiếm gần 40% nguồn cung của EU trước xung đột Ukraine, không nằm trong diện trừng phạt. Do đó, lượng nhập khẩu LNG kỷ lục từ Nga của EU cho đến nay giúp mang lại hàng tỷ USD cho Điện Kremlin.
Simson kêu gọi các công ty EU ngừng mua LNG của Nga. Các bộ trưởng năng lượng của khối hồi tháng 3 cũng nhất trí cho phép các nước thành viên tạm thời hạn chế nhập khẩu LNG từ Nga và Belarus. Thỏa thuận sẽ cần đàm phán thêm với nghị viện EU trước khi thông qua.
Song mọi động thái cắt giảm hoặc cấm LNG của Nga đều có thể cản trở nỗ lực lấp đầy kho dự trữ cho mùa đông tới, theo giới quan sát. Các nguồn cung LNG mới trên toàn cầu có thể phải chờ tới giữa thập kỷ này mới đi vào hoạt động.
Một nhà ngoại giao cấp cao của EU thêm rằng việc áp giá trần với LNG của Nga, biện pháp đã được áp dụng với dầu mỏ, chưa được khối thảo luận chính thức.
Giới phân tích nhấn mạnh tác động của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc với nhu cầu LNG toàn cầu. Họ thêm rằng hiện chưa rõ mức độ phục hồi của quốc gia châu Á này sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid.
Anne-Sophie Corbeau, nhà nghiên cứu toàn cầu tại Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Columbia, lo ngại các nhà hoạch định chính sách châu Âu có thể "quá tự tin" trong nỗ lực hạn chế nhập khẩu LNG Nga.
Giá khí đốt vẫn là thách thức lớn mà các nhà giao dịch tin rằng châu Âu phải đối mặt để đảm bảo nguồn cung, ngay cả khi giá giao ngay giảm mạnh so với mức đỉnh điểm hồi tháng 8 năm ngoái. Giá LNG giao trong quý IV năm nay đã tăng gần 20% trong tháng qua, lên 55 euro (khoảng 60 USD) mỗi megawatt giờ. Năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát, mức giá trung bình khoảng 16 USD.
"Việc EU ngừng nhập khẩu LNG Nga có thể dẫn đến nhiều hậu quả cho thị trường khí đốt toàn cầu, trong đó có nguy cơ trả đũa từ Tổng thống Vladimir Putin", Corbeau nói.
Bà ước tính nếu nguồn cung tiếp tục, EU sẽ nhập khẩu khoảng 40 tỷ mét khối khí đốt Nga trong năm nay, trong đó 20 tỷ mét khối qua đường ống và 20 tỷ mét khối LNG. "EU sẽ rất khó tìm nguồn bù đắp nếu từ bỏ tất cả LNG Nga", Corbeau nhận định.
Thanh Tâm (Theo FT)