Theo bản dự thảo đề xuất dự kiến được đưa ra vào ngày 8/12, những biện pháp chống bắt nạt kinh tế sẽ nhắm đến các quốc gia "cố gắng can thiệp vào những lựa chọn chủ quyền hợp pháp" của Liên minh châu Âu (EU) hoặc một trong 27 nước thành viên, "bằng cách áp dụng hoặc đe dọa áp dụng các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại hoặc đầu tư".
Những động thái trừng phạt mà EU có thể tiến hành bao gồm điều chỉnh thuế quan, đình chỉ tiếp cận thị trường châu Âu bằng cách sử dụng hạn ngạch hoặc giấy phép kinh doanh, hay hạn chế tiếp cận những chương trình mua sắm công và thị trường đầu tư.
Bản dự thảo còn cho biết những bên bị phát hiện liên quan đến chèn ép kinh tế có thể bị gạt khỏi chuỗi cung ứng hàng hóa nằm dưới quyền kiểm soát xuất khẩu của EU, bị hạn chế quyền sở hữu trí tuệ, loại khỏi các lĩnh vực dịch vụ tài chính hoặc ngành công nghiệp hóa chất của khối, hay đối mặt các rào cản kiểm dịch trước khi bước vào thị trường thực phẩm của EU.
Động thái của EU được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc bị cáo buộc chặn hàng xuất khẩu của Litva, sau khi thành viên EU này cho đảo Đài Loan mở văn phòng đại diện ở thủ đô Vilnius hôm 18/11.
Khác với các văn phòng đại diện khác của Đài Loan ở nước ngoài, thường được gọi là "Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc", cơ sở tại Vilnius có tên "Văn phòng đại diện Đài Loan". Trung Quốc phản đối dùng cụm từ "Đài Loan" để đặt tên, bởi lo ngại tạo cảm giác hợp pháp quốc tế cho hòn đảo mà họ coi là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.
Miriam Garcia Ferrer, phát ngôn viên của Tổng cục Thương mại Ủy ban châu Âu, hôm 6/12 xác nhận Brussels đang tham vấn với cả Bắc Kinh và Vilnius về cáo buộc rằng Trung Quốc đã loại Litva khỏi danh sách các nước trên cổng thông tin hải quan, đồng nghĩa với các nhà xuất khẩu từ quốc gia vùng Baltic này không thể chuyển hàng.
Tuy nhiên, bản dự thảo kế hoạch chống chèn ép kinh tế của EU nhiều lần nhấn mạnh Brussels coi công cụ này là đòn răn đe và "phương sách cuối cùng", chỉ được sử dụng khi những nỗ lực ngăn chặn hành vi bắt nạt khác thất bại.
Sau khi được công bố, kế hoạch còn phải trải qua một quy trình xem xét kéo dài, cần được Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu phê chuẩn trước khi ký thành luật. Nếu được thông qua, biện pháp này được cho là sẽ khiến quan hệ EU - Trung Quốc càng thêm lạnh nhạt.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)