Trong cuộc phỏng vấn hôm 7/6, Clete Willems, cựu phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, cho rằng việc Trung Quốc áp lệnh trừng phạt các chính trị gia Liên minh châu Âu (EU) đã "giết chết" Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện EU - Trung Quốc (CAI), khiến thỏa thuận quan trọng này giờ đây "đã bị gạt bỏ".
Trung Quốc hồi tháng 3 áp lệnh trừng phạt 10 chính trị gia EU và 4 thực thể châu Âu. Đây được coi là động thái ăn miếng trả miếng cứng rắn của Bắc Kinh sau khi EU trừng phạt 4 quan chức chính quyền Tân Cương cùng Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), liên quan đến cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm Hồi giáo thiểu số khác ở khu tự trị này.
Đây là lần đầu EU áp lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc kể từ sau lệnh cấm vận vũ khí năm 1989. Tuy nhiên, Bắc Kinh từng nhiều lần bác bỏ những cáo buộc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ từ phương Tây, cho rằng chúng "dối trá và sai lệch".
Sau động thái đáp trả EU của Trung Quốc, Nghị viện châu Âu tháng trước ra nghị quyết đóng băng phê chuẩn thỏa thuận đầu tư giữa hai bên, cho đến khi Bắc Kinh rút lại lệnh trừng phạt.
Theo Willems, động thái trả đũa của Trung Quốc là một "sai lầm chiến lược lớn", cho thấy Bắc Kinh đang phản ứng thái quá, bởi CAI là một thỏa thuận quan trọng được Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng.
Nó đã được thúc đẩy suốt 7 năm và đạt được đồng thuận hồi tháng 12/2020, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mỗi bên tiếp cận sâu rộng hơn thị trường bên kia, đồng thời củng cố vị thế của Bắc Kinh như một đối tác thương mại đáng tin cậy.
"Tuy nhiên, châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường xuất khẩu tại Trung Quốc. Vì vậy, câu hỏi mà Mỹ luôn đặt ra là EU thực sự sẽ cứng rắn đến mức nào", Willems cho biết, nói thêm rằng châu Âu cần có lập trường mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta đã thấy một số tín hiệu tích cực, nhưng các đồng minh của Mỹ còn nhiều việc phải làm trong việc gây áp lực lên Trung Quốc, nhằm buộc họ thay đổi hành động", ông nêu ý kiến.
Ánh Ngọc (Theo CNBC)