"Năm nay, chúng tôi có kế hoạch tăng cường hỗ trợ đáng kể cho Moldova bằng cách cung cấp thêm thiết bị quân sự cho các lực lượng vũ trang nước này", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói trong cuộc họp báo với Tổng thống Moldova Maia Sandu hôm nay.
Ông Michel khẳng định EU sẽ đoàn kết với Moldova và nhiệm vụ của châu Âu là giúp đỡ, hỗ trợ quốc gia này.
Tư lệnh Quân khu Trung tâm Nga tháng trước nói Moskva muốn thông hành lang trên bộ từ miền nam Ukraine đến vùng ly khai thân Nga Transnistria ở Moldova, nơi ông này cho rằng "cộng đồng người nói tiếng Nga đang bị chèn ép". Moldova sau đó đã triệu đại sứ Nga để phản đối phát ngôn này.
Oleksiy Arestovych, cố vấn tổng thống Ukraine, tuần trước tuyên bố Kiev có thể rất nhanh chóng triển khai lực lượng can thiệp vào Transnistria.
Tuy nhiên, Moldova từ chối đề xuất này, cho rằng vấn đề của vùng ly khai Transnistria "chỉ có thể được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị và trên cơ sở một giải pháp hòa bình, thay vì biện pháp quân sự và hành động cưỡng chế khác".
Transnistria là vùng đất đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova - Ukraine, có dân số hơn 500.000 người. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khu vực này đòi ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992.
Chính quyền ly khai tại Transnistria chỉ được công nhận bởi ba vùng ly khai khác gồm Abkhazia, Artsakh và Nam Ossetia. Quân đội Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình với quân số không quá 1.500 người tại khu vực này kể từ năm 1993.
Hơn hai tháng từ khi chiến sự bùng phát tại Ukraine, nguy cơ xung đột lan sang Transnistria đang gia tăng. Nga cho rằng phía Ukraine đã gây ra những vụ nổ nhằm gây bất ổn tại khu vực ly khai thân Moskva. Trong khi đó, Kiev lại cho rằng lực lượng Nga đang dàn dựng những sự cố như vậy để lấy cớ tăng cường hiện diện quân sự tại đây.
Ngọc Ánh (Theo AFP)