Trong cuộc phỏng vấn với kênh Feigin ngày 27/4, Oleksiy Arestovych, cố vấn tổng thống Ukraine, cho rằng nước này có thể rất nhanh chóng triển khai lực lượng can thiệp vào vùng ly khai Transnistria của quốc gia láng giềng Moldova.
"Tuy nhiên, đây là lãnh thổ của Moldova, một quốc gia có chủ quyền, do đó chúng tôi chỉ có thể làm vậy nếu phía Moldova đề xuất", Arestovych nói. "Moldova có thể gặp rắc rối lớn. Theo tôi, điều tốt nhất mà Moldova có thể làm trong tình huống này là nhờ Ukraine hoặc Romania giúp đỡ".
Văn phòng phụ trách tái thống nhất của Moldova sau đó ra tuyên bố bác bỏ đề xuất của ông Arestovych, cho rằng vấn đề của vùng ly khai Transnistria "chỉ có thể được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị và trên cơ sở một giải pháp hòa bình, thay vì biện pháp quân sự và hành động cưỡng chế khác".
Điện Kremlin cũng cho rằng phát ngôn của cố vấn Tổng thống Ukraine mang tính "khiêu khích".
Tình hình ở vùng ly khai Transnistria của Moldova gần đây gia tăng căng thẳng, sau khi ba kẻ tấn công chưa rõ danh tính phóng rocket vào tòa nhà của cơ quan an ninh khu vực ngày 25/4, khiến công trình bị hư hại nhưng không gây thương vong.
Một vụ nổ khác xảy ra tại trung tâm phát thanh truyền hình địa phương ngày 26/4, phá hủy ăng ten lớn nhất truyền dẫn tín hiệu từ đài tiếng nói ở Nga.
Giới chức Transnistria ngày 27/4 thông báo một số máy bay không người lái (UAV) bay trên làng Kolbasna và khu vực này sau đó bị pháo kích từ phía Ukraine. Kiev chưa bình luận về thông tin này.
Làng Kolbasna nằm cách biên giới Ukraine khoảng 2 km, là nơi chứa kho dự trữ khoảng 20.000 tấn đạn từ thời Liên Xô, hiện do quân đội Nga kiểm soát. Giới chức Transnistria nói đây là kho đạn lớn nhất châu Âu.
Nga cho biết đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện ở Transnistria. Bộ Ngoại giao Nga tuần này khẳng định Moskva muốn tránh kịch bản phải can thiệp vào vùng này.
Transnistria là vùng đất đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova - Ukraine, có dân số hơn 500.000 người. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khu vực này đòi ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992.
Chính quyền ly khai tại Transnistria chỉ được công nhận bởi ba vùng tự ly khai khác gồm Abkhazia, Artsakh và Nam Ossetia. Quân đội Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình với quân số không quá 1.500 người tại khu vực này kể từ năm 1993.
Nguyễn Tiến (Theo RT, UNIAN)