Trong "các cuộc thảo luận sôi nổi" ngày 24/11, bộ trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) thông qua được hai "biện pháp quan trọng", gồm mua chung khí đốt để tránh cạnh tranh nội khối khiến giá tăng, đoàn kết nguồn cung khi cần thiết và đẩy nhanh quá trình cấp phép các nguồn năng lượng tái tạo, theo Bộ trưởng Công Thương Czech Jozef Sikela, quốc gia chủ tịch luân phiên EU.
Tuy nhiên, các bộ trưởng EU còn bất đồng về đề xuất áp giá trần khí đốt 275 euro/MWh do Ủy ban châu Âu đưa ra hai ngày trước đó. Ông Sikela cho biết các bộ trưởng EU sẽ họp vào nửa đầu tháng 12 để thu hẹp khác biệt. Các nguồn tin ngoại giao nói ngày họp tiếp theo là 13/12 và các bên đề xuất áp giá trần muốn "bật đèn xanh" cho cả ba giải pháp hoặc không có biện pháp nào.
Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa gọi đề xuất 275 euro/MWh là "trò đùa". "Dự thảo chưa thỏa đáng... chưa nêu rõ các tác động lên giá bán", Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten nói.
Trong khi đó, người đồng cấp Hy Lạp Konstantinos Skrekas cho rằng giá trần 150-200 euro/MWh sẽ thực tế hơn. "Mức này sẽ giúp chúng ta giảm giá khí đốt, từ đó giảm giá điện, vốn đang là thách thức lớn với châu Âu trong mùa đông này", ông nói.
Malta cũng không hài lòng với giá trần đề xuất. Bộ trưởng Năng lượng Malta Miriam Dalli nói các điều kiện ngặt nghèo cần để kích hoạt cơ chế khiến việc thực hiện "gần như không thể".
Đề xuất giá trần sẽ chỉ được kích hoạt nếu giới hạn 275 euro/MWh bị vượt qua hai tuần liên tiếp, và chỉ khi giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng vượt 58 euro trong 10 ngày trong khoảng thời gian này. Với những điều kiện này, giả sử EU có quy định về giá trần khi giá khí đốt hồi tháng 8 lên cao kỷ lục trên 300 euro/MWh, giá trần cũng không thể được kích hoạt.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cùng Hà Lan, Thụy Điển, Áo và Phần Lan cảnh báo giá trần có thể khiến dòng chảy khí đốt tìm đến các thị trường hấp dẫn hơn như châu Á.
Dù vậy, 15 quốc gia EU vẫn muốn thiết lập giới hạn để kiểm soát chi phí năng lượng, trong bối cảnh giá khí đốt tăng sau khi Nga cắt giảm nguồn cung đến châu Âu trong khi phương Tây áp lệnh trừng phạt Moskva vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Estonia là quốc gia duy nhất cho rằng kế hoạch áp giá trần "khá ổn" nếu là một giải pháp tạm thời, và chỉ được áp dụng để ứng phó giá tăng cực đoan, không phải giải pháp lâu dài.
EU gần đây đã thông qua hàng loạt giải pháp để giảm thiểu tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại, từ giảm tiêu thụ cho đến áp thuế lợi tức phụ thu để thu hồi một phần lợi nhuận từ các nhà sản xuất năng lượng. Tuy nhiên, liên minh vẫn bị chia rẽ về việc có nên áp giá trần khí đốt hay không và thực hiện thế nào nếu có.
Nga là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Arab Saudi, và là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới. Châu Âu thường nhập khẩu 40% nhu cầu khí đốt, 30% nhu cầu dầu từ Nga.
Kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine, EU tuyên bố sẽ giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Moskva đã giảm hoặc dừng hẳn dòng khí đốt qua các đường ống hướng tây, chuyển hướng nguồn cung dầu sang hướng đông. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo nếu người tiêu dùng phương Tây muốn quay lưng với năng lượng Nga, Moskva sẽ xuất khẩu sang các nền kinh tế lớn ở phía đông như Ấn Độ, Trung Quốc.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)