Magnus-Valdemar Saar, tổng giám đốc Trung tâm Đầu tư Quốc phòng Estonia (ECDI), ngày 2/12 ký hợp đồng mua Pháo Phản lực Cơ động Cao (HIMARS) với Cơ quan Hợp tác Quốc phòng An ninh (DSCA) của Mỹ, theo thông cáo từ ECDI.
Với tổng giá trị hơn 200 triệu USD cho 6 tổ hợp HIMARS, đây được xem là hợp đồng vũ khí đắt giá nhất lịch sử của quốc gia vùng Baltic. Estonia dự kiến chi thêm tiền mua đạn, thiết bị liên lạc, hậu cần cũng như dịch vụ bảo dưỡng, huấn luyện vận hành.
ECDI không tiết lộ đặt hàng bao nhiêu quả đạn cho tổ hợp HIMARS, nhưng cho biết trong đơn hàng có một số tên lửa có tầm bắn khoảng 300 km, cùng các rocket có tầm bắn ngắn hơn. Đợt bàn giao đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2024.
Những láng giềng Nga ở vùng Baltic, gồm Estonia, Latvia và Litva, đã tăng chi tiêu quốc phòng sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2. Litva tháng trước công bố ý định đặt mua 8 hệ thống pháo HIMARS từ Mỹ với tổng giá trị hợp đồng khoảng 495 triệu USD.
Giám đốc điều hành Lockheed Martin Jim Taiclet hồi tháng 10 thông báo tập đoàn quốc phòng Mỹ dự kiến thúc đẩy dây chuyền sản xuất HIMARS từ mức 60 xe phóng hiện nay lên 96 xe phóng một năm.
HIMARS thu hút sự quan tâm của các nước vùng Baltic sau khi thể hiện uy lực và hiệu quả cao trong chiến sự Ukraine. Các tổ hợp HIMARS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine đã liên tục tập kích chính xác vào kho đạn, sở chỉ huy, tuyến hậu cần Nga, buộc lực lượng Nga phải rút khỏi thành phố Kherson.
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270. Hệ thống HIMARS chuyển giao cho Ukraine được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 80-90 km.
Ngoài đạn M31 đang được Ukraine sử dụng hiện nay, HIMARS còn có thể khai hỏa Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) với tầm bắn khoảng 300 km. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không cung cấp ATACMS cho Ukraine vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga và khiến khủng hoảng leo thang.
Mỹ đã cung cấp 20 tổ hợp pháo HIMARS đến Ukraine từ mùa hè, đóng vai trò lớn giúp Kiev thay đổi cục diện xung đột giữa Ukraine và Nga.
Thanh Danh (Theo AFP)