Bà Phúc hôm qua cùng ông Út tham gia một cuộc đối thoại và triển lãm ảnh ở Manchester, Anh, có sự góp mặt của hàng chục nhiếp ảnh gia và quay phim để kể về sức ảnh hưởng của bức ảnh "Em bé Napalm".
Trong ảnh là một bé gái Việt Nam với gương mặt hoảng loạn đang bỏ chạy trong tình trạng hoàn toàn trần truồng, sau khi máy bay của quân đội Việt Nam Cộng hòa thả bom Napalm xuống Trảng Bàng, Tây Ninh.
Bức ảnh sau đó xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo khắp toàn cầu và gây rúng động về sự khốc liệt của cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Khi ông Út chụp lại khoảnh khắc lịch sử đó vào năm 1972, bà Phúc mới 9 tuổi. Năm nay bà đã 52 tuổi, hiện là Đại sứ Thiện chí của UNESCO, vận động cho hòa bình trên khắp thế giới.
"Khi nhìn bức ảnh này, tôi rất kinh ngạc vì mình vẫn còn sống. Tôi rất biết ơn vì điều đó", bà nói. "Tôi đã học được từ thảm kịch này, từ nỗi đau, thách thức này, và tôi rất biết ơn vì đã được lành lặn. Tôi rất biết ơn về những gì đã xảy ra đối với mình vì nó làm cho niềm tin và cơ thể tôi trở nên mạnh mẽ".
"Bây giờ tôi có thể cố gắng hết sức để giúp đỡ các nạn nhân của chiến tranh khắp thế giới", bà nói tiếp. "Tôi muốn nói rằng thế giới đã đưa cho cô bé trong ảnh một quả chanh chua, nhưng tôi phải biến nó thành một cốc nước chanh".
Ông Út kể rằng hiếm có ngày nào mà không có người hỏi thăm ông về bức ảnh đạt giải.
"Tôi ghét chiến tranh và tôi biết khi mình chụp bức ảnh đó, nó là thứ sẽ làm chấm dứt chiến tranh", ông nói. "Nó đã xuất hiện trên trang nhất ở khắp nơi trên thế giới và làm mọi người thấy những gì đang thực sự xảy ra. Vì thế đối với tôi điều đó đã làm nó trở thành bức ảnh đẹp nhất thế giới".
Sau khi bấm máy, ông Út đã đưa cô bé Phúc và gia đình vào bệnh viện. Vết bỏng trên người Phúc nặng đến nỗi các bác sĩ sợ rằng Phúc sẽ không qua khỏi. Tuy nhiên, bà Phúc đã chiến đấu kiên cường để sống sót.
Hai người đã làm bạn suốt nhiều năm qua dù bà Phúc thừa nhận khi lần đầu nhìn thấy bức ảnh, bà đã rất ghét nó.
"Tôi là một phụ nữ vì thế tất nhiên ban đầu khi nhìn thấy nó, tôi không thích. Tôi hỏi tại sao ông ấy lại chụp bức ảnh trông tôi xấu xí như thế, tôi đang trần truồng? Nhưng tôi phải học cách chấp nhận nó", bà kể. "Và bây giờ tôi rất hạnh phúc vì tôi đã học được cách chấp nhận bức ảnh như một món quà lớn".
Anh Ngọc