Ông Nick Út chỉ mới 21 tuổi vào cái ngày cách đây hơn nửa đời người ấy, khi ông cũng đứng trên con đường này, hướng ống kính về phía đông bắc và chụp lại một trong bức ảnh nổi tiếng nhất lịch sử. Một bé gái Việt Nam với gương mặt hoảng loạn đang bỏ chạy trong tình trạng hoàn toàn trần truồng, sau khi máy bay của quân đội Việt Nam Cộng hòa thả bom Napalm xuống Trảng Bàng, Tây Ninh.
Hôm qua, sau 43 năm, ông Út quay lại nơi này nhưng với một thiết bị hoàn toàn từ một thời đại khác - một chiếc iPhone 5 có khả năng đưa hình ảnh ra thế giới chỉ trong nháy mắt. Ông cũng được giao quyền sử dụng tài khoản chia sẻ ảnh Instagram của hãng AP suốt cả ngày.
"Tôi đã đứng đây và chứng kiến những quả bom rơi xuống", ông kể về khoảnh khắc năm xưa trước khi đưa ra cuộn phim đen trắng Kodak Tri-X có bức ảnh cô bé Kim Phúc 9 tuổi với cơ thể bị bỏng nặng.
"Khi đó tôi còn trẻ lắm", nhiếp ảnh gia lâu năm của hãng thông tấn Mỹ nói.
Với công cụ hiện đại trong tay, ông có thể ngay lập tức đăng tải những bức ảnh mà trong thời chiến, phải mất hàng giờ để vượt qua chặng đường 40 km về văn phòng của hãng ở Sài Gòn. Sau khi quá trình rửa phim và in ấn, bức ảnh mới có thể được chia sẻ với thế giới.
Ngồi trên xe đến Trảng Bàng, ông Út đeo chiếc máy ảnh Leica ở cổ và giơ điện thoại chụp vài bức. Quang cảnh dọc quốc lộ 1 từ thành phố Hồ Chí Minh về đây đã đổi khác nhiều so với thời chiến tranh. Ông chú ý đến nhà hàng mang tên "Thế giới Sushi" và một người bán dạo bức tượng Nữ thần Tự do cỡ nhỏ.
Xe băng qua một chiếc cầu, ông Út cho hay đã đến địa điểm chụp bức ảnh nổi tiếng: "Đây rồi! Đây rồi!".
Ông đưa chiếc điện thoại sát vào kính chắn gió để chụp ảnh con đường, sau đó chụp ngôi chùa mà Phúc và gia đình bà trú ngụ trước cuộc đánh bom.
Những năm gần đây, mỗi năm ông đều quay về thăm nơi này ít nhất một lần. Nó có ý nghĩa quan trọng đối với ông. Ông và bức ảnh, nói rộng ra là ngôi làng này, mãi mãi gắn kết với nhau.
Tại Trảng Bàng, ông Út đã đến thăm một hàng quán ven đường của anh họ bà Phúc, sau đó đi thêm một km đến nơi ông chụp bức ảnh nổi tiếng. Tại đây, ông cũng gặp một nhóm nhiếp ảnh gia đang tác nghiệp. Xe cộ phải tránh đường cho họ.
Quang cảnh lúc đó là ông Út chụp ảnh, ông Út chụp những bức ảnh riêng của ông và mọi người lại chụp ông Út đang chụp ảnh. Đến lúc tàn cuộc, không rõ có bao nhiêu ảnh ông Út chụp và chụp ông.
Ông Út đã chia sẻ 6 bức ảnh về Trảng Bàng trên Instagram, trong đó có một bức về ông Ho Van Bon, 54 tuổi, anh họ của bà Phúc và là cậu bé bên trái bà trong bức ảnh năm 1972. Ông Bon cho rằng việc chia sẻ hình ảnh nhanh chóng có thể mang một sức mạnh to lớn khi những tình huống xấu xảy ra.
"Thế giới ngày nay tốt đẹp hơn nhiều khi có mạng xã hội để thu hút sự chú ý ngay lập tức đến một sự việc nào đó", ông nói.
"Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra ở năm 1972 nếu bạn có tất cả công nghệ và hệ thống như năm 2015. Giá như một số trong những người chạy trốn khỏi cuộc tấn công Napalm năm đó có những chiếc điện thoại thông minh. Giá như một số binh lính cũng có điện thoại thông minh", David Campbell, một chuyên gia kể chuyện trực quan và giáo viên ở Newcastle, Anh, nói. "Vào năm 1972, bạn phải xem những bức ảnh đã được lựa chọn và chỉnh sửa, với cách biệt về thời gian lớn hơn. Ngày nay bạn được xem những bức ảnh ở phạm vi lớn hơn, quy mô thời gian rộng hơn và ở một cái nhìn toàn diện hơn".
Ông Út cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ đổi khác trong mắt của những người ủng hộ Mỹ và các nhà hoạch định chiến lược của họ nếu việc chia sẻ hình ảnh nhanh chóng và rộng rãi có từ thời đó. Ông nghĩ rằng trước khi cuộn phim của ông về đến Sài Gòn, những bức ảnh có thể đã được lan truyền trên Facebook.
"Ôi chúa ơi. Ngày nay ở Việt Nam người nào cũng có điện thoại cả", ông nói. "Một vài giờ đã là quá lâu rồi. Bây giờ chỉ hai phút là bạn đã đưa nó đến với thế giới. Tôi không thể tưởng tượng được".
Anh Ngọc (theo AP)