Nick Út chia sẻ với VnExpress về thời gian tác nghiệp trong chiến tranh Việt Nam và bức ảnh đoạt giải Pulitzer, Em bé Napalm khi ông trở lại Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước.
- Điều gì đã đưa ông trở thành phóng viên ảnh trong chiến tranh Việt Nam?
- Từ trước năm 1963, khi mới mười mấy tuổi, tôi thường xuyên đi theo anh trai là Huỳnh Thanh Mỹ, phóng viên ảnh của hãng AP để xem anh chụp lại những diễn biến ở Sài Gòn. Tôi cũng theo anh vào dinh Độc Lập khi xảy ra cuộc đảo chính lật đổ chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm. Anh Mỹ thấy tôi hứng thú với việc chụp ảnh thì cũng hướng dẫn nhiều, anh nói có thể Việt Nam sẽ cần nhiều phóng viên ảnh hơn nữa để đưa tin về chiến tranh, không thể ngày nào cũng chứng kiến nhiều người chết như vậy.
Không ngờ anh Mỹ lại tử trận khi đến địa bàn Cần Thơ năm 1965. Sau đó tôi xin vào làm ở chính hãng AP, họ đuổi về, nói rằng còn nhỏ quá, về lo mà học. Tôi xin lại một lần nữa thì đầu năm 1966 họ đồng ý nhận. Ban đầu tôi học việc trong phòng tối rửa phim, dần dần chụp các bức ảnh trên đường phố Sài Gòn. Một tháng sau thì tôi đi chụp ảnh chiến trường, lúc đó mới 16 tuổi, tôi đi khắp nơi, từ chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đến Huế, Đà Nẵng và các tỉnh đổng bằng sông Cửu Long.
- Cảm nhận của ông về những ngày tháng ở chiến trường khi đó?
- Ngày nào tôi cũng có thể chết, có những lúc bỗng dưng thấy tóc mình cháy xém vì đạn sượt qua, hoặc đột nhiên thấy máu chảy ra từ dưới cánh tay, từ bụng mới biết mình bị trúng đạn. Năm 1972, một tháng sau khi chụp tấm ảnh Em bé Napal ở Trảng Bàng, tôi quay lại để tìm lại gia đình cô bé Kim Phúc, một quả đạn pháo nổ ngay phía trước, tôi nhìn xuống thấy quần áo và máy ảnh xộc xệch, máu tràn ra từ đùi bên phải, một người lính Việt Nam Cộng hòa thấy vậy túm lấy tôi, kéo vào trạm y tế, vừa vào thì một quả đạn pháo khác nổ tiếp, nếu chậm hai phút thì tôi đã chết. Tôi được đưa về sân bay Tân Sơn Nhất điều trị và may mắn không bị cưa mất chân.
- Ông đã chụp bức hình Em bé Napalm trong hoàn cảnh như thế nào?
- Tôi suýt thì không có bức ảnh đó vì tự nhủ chụp nốt mấy tấm rồi về. Đầu tháng 8/1972, có giao tranh dữ dội ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Khi nghe bạn bè nói có chiến sự kéo dài mấy ngày, sáng hôm đó tôi đến sớm, thấy người dân kéo nhau, dắt theo con cái, trâu bò chạy ra khỏi nơi giao tranh, số lượng lên đến hàng nghìn người. Sau khi đi theo lính Việt Nam Cộng hòa vào khu rừng gần đó, tôi ra quốc lộ 1 để định về, thì nghe tiếng hai chiếc phi cơ lao tới. Tôi thấy một máy bay thả quả bom làm cả thị xã rung lên, chỉ 2 phút sau chiếc còn lại nhào xuống, thả 4 quả bom Napalm. Khi ấy tôi nghĩ không còn ai trong thị xã nữa, đột nhiên sau làn khói đen có đám trẻ con chạy túa ra, Kim Phúc là một trong số đó, cô bé bị cháy hết quần áo, mảng da trên tay cháy tuột xuống, cô la hét "Nóng quá, giúp tôi". Tôi chớp lấy khoảnh khắc đó rồi chạy tới tưới hai chai nước lên lưng Kim Phúc.
Tôi nghĩ nếu mình không giúp cô bé đó sẽ chết. Khi chở cô đến bệnh viện gần đó, y tá từ chối nhận do họ không có đủ thuốc và phương tiện. Đột nhiên tôi nhớ ra mình có thẻ nhà báo, bèn rút ra và nói nếu họ không chữa thì ngày mai những hình ảnh này sẽ tràn ngập trên các báo. Thực sự tôi nghĩ Kim Phúc sẽ không qua khỏi trong bệnh viện, nhưng cô bé rất may mắn. Hiện chúng tôi có mối quan hệ rất thân thiết, Kim Phúc mỗi khi gặp đều gọi tôi là ba xưng con.
- Ông có bất ngờ vì bức ảnh Em bé Napalm trở thành một hiện tượng?
- Thú thực lúc đó tôi còn quá trẻ, chụp ảnh về thì để cho AP duyệt đăng. Một số người cũng tranh luận về bức ảnh vì cô bé Kim Phúc khi đó bị cháy hết quần áo, dang hai tay chạy ra. Có người còn tính đến phương án chỉnh sửa, che bớt đi. Nhưng may mắn là trưởng đại diện AP tại Sài Gòn khi đó là Horst Fass quyết định chọn dùng bức ảnh trọn vẹn và không can thiệp gì. Một năm sau, khi nghe tin bức ảnh giành được giải thưởng Pulitzer, tôi còn không biết giải thưởng đó là gì. Tôi cảm thấy rất vinh dự vì bức ảnh đó lột tả được bộ mặt chiến tranh ở Việt Nam. Bức ảnh đó cũng là một phần tâm nguyện của anh trai Huỳnh Thanh Mỹ của tôi, làm sao góp phần chấm dứt chiến tranh.
- Ông ở đâu khi quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975?
- Trước đó tôi đã bay đến Manila, Philippines cùng rất nhiều người Việt khi nghe tin quân Giải phóng tiến nhiều mũi vào Sài Gòn, từ Đà Lạt, Kon Tum, Ban Mê Thuột, Long An, Mỹ Tho. Tôi muốn ở lại để chụp lại những bức hình cuối cùng của cuộc chiến nhưng trưởng đại diện AP giục đi vì họ lo nguy hiểm. Đặt chân đến Manila tôi mới nghe tin Sài Gòn thất thủ. Cảm giác rất là tiếc nuối vì mình vắng mặt vào thời điểm quan trọng đó.
- Lần đầu trở lại Việt Nam của ông và cảm giác khi đó như thế nào?
-Trong lần đầu tiên trở lại Việt Nam sau chiến tranh vào năm 1989, khi hãng AP cử tôi tham gia dự án tìm kiếm các lính Mỹ mất tích trong chiến tranh, ngồi trên máy bay nhìn xuống tôi thấy nhiều người đội mũ cối đứng ở sân bay, cảm giác rất lo lắng, không biết có chuyện gì xảy ra với mình không. Nhưng khi bước xuống thì ai cũng nhận ra tôi nên cảm giác đó nhanh chóng biến mất. Sau đó tôi đến Hà Nội lần đầu, đi Lạng Sơn, Đông Hà. Năm 2000 tôi trở lại để mở văn phòng AP tại Hà Nội, các bức ảnh đầu tiên là chụp những người thợ cắt tóc, giá khi đó rất rẻ, có 25 cent mỗi lần.
- Việt Nam - Mỹ năm nay kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hai nước hiện có mối quan hệ đối tác chiến lược. Là một người Việt ở Mỹ, ông mong mỏi điều gì nhất ở mối quan hệ hai nước?
Ở Mỹ, tôi thường xuyên mua đồ Made in Vietnam, tôi mong hàng hóa của Việt Nam có mặt ở khắp nơi trên nước Mỹ. Hiện nay hàng tiêu dùng phổ biến ở Mỹ là của Trung Quốc.
Người của thế hệ chiến tranh tại Mỹ đã mất gần hết rồi vì lớn tuổi, thế hệ trẻ hơn thì không biết về chiến tranh. Bây giờ thì hận thù gì nữa, người Việt ở nước ngoài luôn có tinh thần hướng về đất nước, có lúc Trung Quốc có những hành động khiêu khích ở Hoàng Sa - Trường Sa, bà con đã biểu tình phản đối rất đông.
Tôi có nhiều bạn bè trở về Việt Nam đầu tư. Họ về rất nhiều vì còn người thân và họ hàng ở đây. Người dân Mỹ ủng hộ việc Việt Nam rà phá bom mìn và giải quyết các hậu quả chiến tranh khác, ủng hộ chính phủ của họ thắt chặt quan hệ với Việt Nam.
Phóng viên ảnh Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951 tại Long An. Năm 1973 ông giành được giải thưởng danh giá Pulitzer nhờ bức ảnh Em bé Napalm. Bức ảnh chụp cô bé Kim Phúc, 9 tuổi, gào thét chạy ra quốc lộ, quần áo và da thịt bị cháy sau trận dội bom napalm của quân đội Mỹ, đã làm chấn động thế giới. Nick Út đã nhập quốc tịch Mỹ và đang làm phóng viên của hãng AP tại Los Angeles, Mỹ, theo dõi tất cả loại tin tức từ động đất, cháy rừng cho đến thể thao, ngôi sao điện ảnh. Tháng 6 tới ông dự kiến trở lại Việt Nam do hãng AP sẽ có một triển lãm ảnh về Việt Nam tại Hà Nội và TP HCM. |
Việt Anh