Tổng thống Ecuador Daniel Noboa ngày 10/1 tuyên bố đất nước đã bước vào chiến tranh với các băng đảng tội phạm ma túy. Một ngày trước, ông liệt 22 băng đảng với tổng cộng khoảng 20.000 thành viên vào danh sách tổ chức khủng bố, biến những nhóm này thành mục tiêu quân sự hợp pháp cho quân đội.
"Chúng ta đang trong thời chiến và không thể nhượng bộ trước những tổ chức khủng bố này", ông nhấn mạnh trong phát biểu trên đài phát thanh Canela Radio.
Sau khi trùm ma túy Adolfo Macias vượt ngục ở thành phố cảng Guayaquil hôm 8/1, Tổng thống Noboa đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và áp lệnh giới nghiêm mỗi đêm trong vòng 60 ngày. Trong hai ngày sau lệnh tuyên chiến của ông, quân đội Ecuador đã trấn áp và bắt hơn 300 thành viên các băng đảng lớn như Los Choneros, Los Lobos và Los Tiguerones trên toàn quốc.
Sự xuất hiện của quân đội Ecuador không khiến các tổ chức tội phạm sợ hãi, mà trở nên manh động hơn với loạt vụ bạo loạn ở nhà tù, bắt hơn 130 quản ngục và nhân viên công vụ làm con tin. Các tay súng đột kích vào đài truyền hình Ecuador TC, bắt 13 con tin giữa trường quay ngay trên sóng trực tiếp, trước khi bị cảnh sát vũ trang trấn áp.
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các băng đảng được vũ trang hạng nặng đi giữa đường phố Ecuador. Một số video cho thấy tội phạm vác theo súng phóng lựu, hay cảnh tượng cảnh sát nổ súng, rượt đuổi thành viên băng đảng trên phố.
Ecuador từng được xem là "ốc đảo yên bình" tại Nam Mỹ trong giai đoạn 2007-2017, khi cựu tổng thống cánh tả Rafael Correa chấp nhận đàm phán với các băng đảng. Ông mở ra con đường "hoàn lương" cho họ, sẵn sàng rót trợ cấp với điều kiện băng đảng đăng ký trở thành tổ chức văn hóa địa phương và chấm dứt mọi hoạt động bạo lực.
Correa cho thành lập Bộ Tư pháp, đầu tư mạng lưới an ninh trật tự cấp địa phương, tăng ngân sách cho ngành an ninh và các chương trình chống tội phạm. Chính phủ tạo điều kiện thành viên trẻ tuổi trong các băng đảng tìm việc làm để đổi đời và hạn chế truy cứu trách nhiệm.
Tỷ lệ án mạng tại Ecuador từ 15 vụ mỗi 100.000 dân vào năm 2011 giảm xuống còn 5 vụ mỗi 100.000 dân vào năm 2017, thấp hơn nhiều lần so với những nước lân cận.
Các mạng lưới sản xuất ma túy với quy mô công nghiệp không xuất hiện tại Ecuador giống như hai nước láng giềng là Colombia và Peru. Quốc gia này cũng không chịu thách thức lâu dài từ những phong trào chính trị bán quân sự hay nhóm ly khai vũ trang.
Các băng đảng ở Mexico và Albania liên kết với tội phạm Ecuador, quyết biến vùng đất này thành "cao tốc" để vận chuyển ma túy đến thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, tình hình an ninh tại Ecuador xấu đi sau nhiệm kỳ của Correa, đặc biệt là từ khi chính phủ nước láng giềng Colombia ký thỏa thuận hòa bình năm 2016 với Tổ chức vũ trang Cách mạng Colombia (Farc). Giới nghiên cứu cho rằng đây là bước ngoặt làm leo thang bạo lực băng đảng ở Ecuador.
Phần lớn những tuyến buôn lậu ma túy từ miền nam Colombia đến các cảng Ecuador từng do Farc kiểm soát. Sau khi phong trào ly khai này chấp nhận giải thể theo thỏa thuận hòa bình với chính phủ Colombia, các băng đảng ma túy quyền lực tại Mexico lập tức tìm cách nhảy vào thế chân, vung tiền và bơm vũ khí để lôi kéo các nhóm tội phạm ở Ecuador tạo hành lang buôn lậu mới.
Theo Báo cáo Ma túy Toàn cầu năm 2023 của Liên Hợp Quốc, hai băng đảng Mexico đứng sau cuộc tranh giành quyền thống trị thế giới ngầm Ecuador là Sinaloa và Jalisco Nueva Generacion, vốn đang kiểm soát phần lớn những tuyến buôn lậu ma túy từ Mexico vào Mỹ và thèm khát nguồn hàng từ Nam Mỹ.
Guayaquil, thành phố với 2,2 triệu dân và là trung tâm kinh tế của Ecuadro, đã trở thành điểm nóng tội phạm ma túy vài năm qua. Các băng đảng tranh giành quyền kiểm soát hệ thống cảng ở thành phố để làm bàn đạp vận chuyển ma túy qua đường biển. Đại tá Maro Pazmino, cựu giám đốc cơ quan tình báo quân đội Ecuador, năm 2019 từng cảnh báo nước này đã trở thành điểm trung chuyển cho 40% ma túy sản xuất tại Colombia.
Tình trạng bạo lực liên quan đến tội phạm băng đảng đã khiến hơn 8.000 người thiệt mạng trong năm 2023, tăng gấp đôi so với con số 4.500 người trong năm 2022, theo thống kê của chính phủ Ecuador.
Hệ thống nhà tù Ecuador bị quá tải, vượt khả năng kiểm soát của cảnh sát. Một số nhà tù trở thành lãnh địa của tội phạm. Các vụ bạo loạn xảy ra thường xuyên hơn trong vài năm qua, với những cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các băng đảng khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Tội phạm ma túy còn tìm cách chi phối và lũng đoạn chính quyền Ecuador. Cuộc bầu cử tổng thống vừa qua bị phủ bóng bởi vụ ám sát Fernando Villavicencio, ứng viên có lập trường cứng rắn chống lại các băng đảng và nạn tham nhũng. Trong năm 2023, ít nhất 7 chính trị gia Ecuador bị ám sát liên quan đến tội phạm ma túy.
Tổng thống Noboa đang tìm cách tái lập trật tự cho đất nước bằng "Kế hoạch Phượng hoàng", được ông công bố vào tháng 11/2023 ngay sau khi đắc cử. Ông chủ trương đầu tư cho quân đội và cảnh sát nhằm cải thiện năng lực trấn áp tội phạm, xây dựng thêm nhà tù với hệ thống giám sát nghiêm ngặt hơn và tăng cường an ninh ở hải cảng, sân bay.
Noboa dự kiến chương trình cải cách có thể tốn khoảng 800 triệu USD, nhưng ông kỳ vọng có thể thuyết phục Mỹ san sẻ gánh nặng với khoản viện trợ 200 triệu USD.
Ngoài ra, Tổng thống Noboa còn đang đàm phán thỏa thuận trục xuất tội phạm đến từ các nước láng giềng. Người gốc Colombia, Peru và Venezuela chiếm khoảng 90% phạm nhân nước ngoài tại Ecuador, riêng số phạm nhân gốc Colombia là hơn 1.500 người.
Nicolas Forsans, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latin và Caribe, thuộc Đại học Essex của Anh, cảnh báo Ecuador đang đối diện tương lai nhiều thách thức khi nước này trở thành mắt xích lớn trong chuỗi cung cấp ma túy toàn cầu.
"Các tổ chức mua bán ma túy toàn cầu ngày càng khát hàng, trong khi sản lượng từ Colombia đang cao kỷ lục. Theo điều tra của Liên Hợp Quốc, khoảng 1/3 diện tích trồng cây coca bất hợp pháp tại Colombia tập trung ở khu vực cách biên giới Ecuador chỉ 10 km", ông cho hay.
Thanh Danh (Theo Conversation, Reuters, Crisis Group)