Cầu Bình Phước 1 bắc qua sông Sài Gòn, nối TP Thủ Đức với quận 12 trên tuyến đường thủy huyết mạch từ Bình Dương, Tây Ninh... đến các cảng ở TP HCM. Mỗi ngày, tuyến sông này có hàng trăm tàu thuyền, sà lan chạy qua. Tuy nhiên, mỗi lần triều cường lên cao, mặt nước chỉ cách gầm cầu chừng 5-6 m, khiến tàu lớn khó chui lọt.
"Nhiều lần tàu giao hàng xong và chạy rỗng, gặp nước lớn phần cabin rất dễ bị kẹt lại", ông Văn Khang, chủ một sà lan thường chở hàng từ Bình Dương qua TP HCM, nói và cho biết doanh nghiệp tính toán kỹ chu kỳ con nước, song một số lần vẫn "bị động" do quá trình vận chuyển có thể phát sinh các vấn đề ngoài kế hoạch. Mỗi lần như vậy, tàu phải dừng chờ mực nước hạ thấp.
Khai thác từ cách đây 20 năm, cầu Bình Phước 1 dài gần 480 m, rộng hơn 11 m, tĩnh không chừng 6 m. Tháng 8 năm ngoái, cầu bị tàu tông biến dạng, thành phố phải cấm xe trọng tải lớn đi phía trên để đảm bảo an toàn.
Cách đó gần 7 km hướng vào nội đô TP HCM, cầu Bình Triệu 1 nối Thủ Đức với quận Bình Thạnh cũng đang là khó khăn lớn với tàu thuyền trên sông Sài Gòn khi mực nước lên cao. Cầu xây trước năm 1975, được sửa chữa và mở rộng năm 2010, nhưng tĩnh không hiện chỉ 5,5 m cản trở các phương tiện, nhất là tuyến sông hiện đáp ứng tàu container xếp chồng ba lớp, sức chở 5.000 tấn.

Một tàu thuộc tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) chuẩn bị qua cầu Bình Triệu 1, đầu năm 2023. Ảnh: Gia Minh
Tĩnh không thông thuyền của cầu tính từ mực nước cao nhất đến gầm cầu. Tuỳ cấp đường thuỷ, tĩnh không các cầu có tiêu chuẩn chiều cao khác nhau. Sông Sài Gòn đoạn qua cầu Bình Phước 1 và Bình Triệu 1 thuộc cấp 2, tĩnh không phải đạt 7-9,5 m. Việc tĩnh không các cầu thấp, ngoài gây trở ngại cho giao thông thuỷ còn nguy cơ mất an toàn nếu công trình bị va trúng.
Ngoài sông Sài Gòn, nhiều cầu bắc qua sông nhỏ, kênh rạch ở thành phố tĩnh không thấp đang ảnh hưởng lớn nhu cầu vận chuyển hàng hoá, hành khách. Ở Nam Sài Gòn, cầu Rạch Dơi, Rạch Đĩa, Long Kiểng... trên đường Lê Văn Lương (Nhà Bè), hiện mỗi khi triều cường lên mặt nước chỉ cách gầm cầu chừng một mét nên chỉ thuyền, ghe nhỏ mới có thể đi qua. Tương tự, nhiều cầu dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè như Bùi Hữu Nghĩa, Trần Khánh Dư... tĩnh không khoảng 2 m, khiến hoạt động du lịch bị cản trở lớn.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Trần Đỗ Liêm nói nhu cầu vận chuyển hàng hoá khu vực TP HCM và Đồng bằng sông Cửu Long 5 năm gần đây tăng nhanh, doanh nghiệp ngày càng đầu tư tàu thuyền lớn. Ông dẫn chứng khoảng 20 năm trước, hầu hết tàu thuyền đường sông tải trọng chỉ khoảng 500 tấn, nay đã lên 2.000-5.000 tấn. Do vậy, tình trạng cầu thấp ở thành phố ảnh hưởng lớn nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
"Việc đóng tàu thuyền lớn ngoài đáp ứng nhu cầu mở rộng kinh doanh, tăng khả năng chuyên chở, còn nhằm an toàn khi bốc dỡ hàng hoá từ tàu biển tại các cảng. Bởi các phương tiện nhỏ hiện không thể áp sát tàu hàng lớn mỗi khi giao nhận", ông Liêm nói.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Hiệu phó trường Cao đẳng giao thông vận tải Đường thủy II, cũng cho rằng nhiều tuyến đường thuỷ quan trọng kết nối TP HCM với khu vực xung quanh đang bị hạn chế rất do cầu thấp. Điều này khiến doanh nghiệp bị phụ thuộc theo độ cao của cầu, không dám đầu tư tàu thuyền lớn. Khi muốn tăng khả năng chuyên chở, nhiều đơn vị phải chọn loại tàu có thể hạ thấp cabin để thuận tiện mỗi khi qua cầu.
"Hiện, các dự án xây cầu mới đã được quy định cụ thể với tĩnh không phù hợp tuỳ theo cấp độ tuyến đường thuỷ nội địa. Tuy nhiên, nhiều cầu ở địa bàn thành phố có cách đây hàng chục năm, không còn đáp ứng yêu cầu nên cần sớm nâng cấp", ông Thắng nói và đề xuất việc nâng tĩnh không cần đồng bộ cả tuyến, vì chỉ cần một cầu thấp sẽ tạo điểm nghẽn trên cả trục đường.

Tàu hàng dừng ở kênh Thanh Đa chờ nước hạ thấp để qua cầu Bình Triệu 1, đầu năm 2023. Ảnh: Gia Minh
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư tuyến buýt sông ở thành phố, cũng nói trên các tàu từ bến Bạch Đằng, quận 1 đi Linh Đông, TP Thủ Đức, trở ngại lớn nhất là đoạn sông qua cầu cầu kinh Thanh Đa (Bình Thạnh), do tĩnh không chỉ khoảng 3 m. Ngoài khu vực này, thành phố còn nhiều cầu khác chiều cao chưa đảm bảo nên trước khi cho vận hành buýt sông, đơn vị phải tính toán đầu tư tàu phù hợp. Quá trình khai thác cũng phải lập phương án chi tiết để giảm thiểu rủi ro về luồng tuyến.
"Hiện, nếu có khách đặt tour du lịch đột xuất, doanh nghiệp phải kiểm tra kỹ thời tiết, mực nước, đảm bảo không bị ảnh hưởng mới dám nhận", ông nói và cho rằng ở khu nội thành, nếu tĩnh không các cầu đạt khoảng 7 m sẽ giúp khơi thông rất lớn cho giao thông cũng như du lịch đường thuỷ.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Hoà An nói tĩnh không nhiều cầu ở thành phố thấp kìm hãm nhu cầu phát triển giao thông thuỷ, song trở ngại lớn nhất trong việc đầu tư, nâng cấp là nguồn vốn. Cách đây 4 năm khi cầu đường sắt Bình Lợi mới, nối Thủ Đức qua Bình Thạnh đưa vào khai thác thay cầu cũ chỉ tĩnh không 1,5 m, đã phần nào giải quyết nhu cầu đi lại, chở hàng trên sông Sài Gòn. Tuy nhiên, nhiều cầu khác trên địa bàn chưa đảm bảo, nhưng ngân sách hạn hẹp nên chưa thể nâng cấp.
Ở kế hoạch phát triển đường thuỷ giai đoạn 2020-2050, TP HCM ước tính cần hơn 21.000 tỷ đồng đầu tư. Trong đó khoảng 4.000 tỷ đồng triển khai các công trình luồng tuyến, dự án cảng. Riêng chi phí duy tu, bảo trì các tuyến đường thủy mỗi năm dự tính cần khoảng 570 tỷ đồng, tức trong 30 năm hơn 17.000 tỷ. Hai cầu Bình Phước 1 và Bình Triệu 1 mới đây cũng được đề xuất nâng tĩnh không lên 7 m, tổng kinh phí khoảng 244 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm sau.
"Đây là nguồn vốn rất lớn nên ngoài ngân sách, Sở Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu và tham mưu thành phố tìm nguồn lực khác như xây dựng cơ chế cho thuê đất hành lang bờ sông, kênh rạch; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, khai thác hạ tầng đường thủy...", ông An nói.
TP HCM có hơn 900 km đường thuỷ, tương đương 50% mạng lưới đường bộ. Hệ thống sông, rạch cũng kết nối nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, cả giao thông và du lịch đường thuỷ trên địa bàn được đánh giá phát triển chưa tương xứng. Năm ngoái, sản lượng hàng hóa bằng đường thủy tại thành phố đạt hơn 65,7 triệu tấn, tăng 52% so với năm 2019 ở thời điểm trước dịch. Sản lượng khách bằng đường thuỷ năm 2022 đạt hơn 33 triệu lượt, song giảm 17% so với năm 2019.
Gia Minh