Tổng vốn này gồm hơn 4.100 tỷ đồng đầu tư cho luồng tuyến và các dự án cảng. Còn lại, chi phí duy tu, bảo trì các tuyến đường thủy mỗi năm khoảng 570 tỷ đồng, tức trong 30 năm cần hơn 17.000 tỷ đồng.
Trước đó, trong cung cấp số liệu phục vụ lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa TP HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, mạng lưới đường thủy nội địa tại thành phố sẽ tập trung vào ba hướng liên kết gồm: bốn tuyến từ nội thành đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè); ba tuyến kết nối khu Đông thành phố tới cảng Cát Lái (quận 2) và hai tuyến vành đai.
Để tăng kết nối vùng, TP HCM và các tỉnh Đông Nam bộ sẽ thông qua năm tuyến đường thủy nội địa gồm: Sài Gòn - Thị Vải, Sài Gòn - Bến Súc, Sài Gòn - Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông), Sài Gòn - Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây) và Sài Gòn - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai). Hướng về các tỉnh Tây Nam bộ cũng có năm tuyến: Sài Gòn - Hà Tiên, Sài Gòn - Kiên Lương, Sài Gòn - Cà Mau, duyên hải Sài Gòn - Cà Mau và tuyến ven biển từ TP HCM đến Kiên Giang.
Với hệ thống cảng, bến... ngoài xây dựng theo quy hoạch sẽ tập trung hoàn chỉnh các cảng cạn ICD nhằm tăng khả năng trung chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp, chế xuất... đến cảng biển. Đồng thời để phát triển các trung tâm logictics (dịch vụ trung gian cho hoạt động giao nhận hàng hoá)..., hạ tầng sẽ đầu tư đồng bộ và tăng sự kết nối. Các cảng bến cũng sẽ dược tính toán, phục vụ cho việc chở khách và du lịch.
Ông Bùi Hoà An cho biết những định hướng trên là "khung" và từ đó xác định mức độ ưu tiên đầu tư các dự án. Từ nay đến năm 2050, 6 dự án cảng, 5 tuyến liên kết khu Đông thành phố đến các bến trên sông Đồng Nai, 4 tuyến từ nội thành đến cảng Hiệp Phước cần được ưu tiên.
"Để huy động vốn, ngoài ngân sách cần đa dạng các nguồn đầu tư khác. Trong đó cần xây dựng cơ chế cho thuê quỹ đất hành lang bờ sông, kênh, rạch và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, khai thác hạ tầng đường thủy...", lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho hay.
UBND TP HCM hiện cơ bản thống nhất việc lập quy hoạch của Sở Giao thông Vận tải, song yêu cầu rà soát, đánh giá từ các cơ quan liên quan, để cập nhật vào đề án phát triển hạ tầng giao thông chung của thành phố, giai đoạn 2020-2030. Lãnh đạo thành phố yêu cầu cần nghiên cứu phát triển mạng lưới đường thủy và cảng, bến về phía Nam, Tây Nam (khu vực huyện Củ Chi, Bình Chánh...).
TP HCM có 110 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài gần 1.000 km, cùng với hệ thống cảng biển, bến thủy nội địa rải đều được xem là lợi thế phát triển giao thông thủy nhưng đầu tư lĩnh vực này chưa tương xứng. 5 năm gần đây, tổng vốn cho các dự án giao thông thủy chỉ đạt 1.500 tỷ đồng, bằng 5,4% so với hơn 27.200 tỷ đầu tư hạ tầng đường bộ.
Năm ngoái, sản lượng hàng hóa bằng đường thủy tại thành phố đạt hơn 31 triệu tấn, chiếm gần 35% so với vận tải đường bộ. Lượng khách qua các cảng, bến thuỷ nội địa năm 2019 cũng đạt hơn 36 triệu lượt (tăng 1,1% so với năm 2018).
Gia Minh