10 năm nay, từ khi đại lộ Đông Tây (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) hoàn thành, cứ 5h chiều, ông Trần Thủy Hùng, 72 tuổi, ngụ hẻm 1440/11 đường Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 6, đi bộ thể dục dọc bờ kênh Tàu Hủ thoáng đãng. Con đường rộng 42-60 m, 10 làn xe, vỉa hè và dải phân cách giữa các làn được trồng nhiều cây xanh, tỏa bóng mát. Hai bên đường, nhà cửa xây dựng khang trang, đời sống người dân được nâng cao.
Đường Võ Văn Kiệt trước đây có tên Lê Quang Liêm, rộng 7-8 m. Trước năm 1975, tuyến đường này hoang sơ, lác đác bóng người. Tuy nhiên, những năm về sau ảnh hưởng quá trình đô thị hóa cùng với việc dân nhập cư đến ở đông, hai bên đường mọc lên nhiều nhà tạm, chen chúc nhau. Phần lớn các ngôi nhà rộng chỉ vài mét vuông, quây bằng tôn cũ xám xịt, đầy vết hoen gỉ, nằm xiêu vẹo. Mọi rác sinh hoạt, chất thải xả xuống khiến dòng kênh ô nhiễm nghiêm trọng. Con lộ cũ nhỏ hẹp, ít đèn đường nên an ninh trật tự về đêm ở đây rất phức tạp. Sau 10 giờ tối, người dân ít ra ngoài vì sợ cướp.
Năm 2000, các hộ dân khu vực nhà ông Hùng vui mừng khi chính quyền địa phương thông báo sẽ triển khai dự án đại lộ Đông Tây chạy dọc kênh. Điểm đầu công trình giao quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), chạy qua các quận Bình Tân, 8, 6, 5, 4, 1 và kết thúc tại xa lộ Hà Nội (quận 2, nay thuộc TP Thủ Đức). Tuyến đường rộng 42-100 m, có tổng kinh phí đầu tư 9.800 tỷ đồng, trong đó 6.400 tỷ đồng vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản, còn lại sử dụng ngân sách.
Để thực hiện dự án, TP HCM phải giải toả, di dời gần 6.800 hộ dân; 370 cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng. Công tác giải phóng mặt bằng được triển khai từ năm 2001, trước 4 năm dự án khởi công nhưng phải đến năm 2007 mới cơ bản hoàn thành. Dự án được đánh giá thành công trong đền bù, giải phóng mặt bằng bởi không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện lớn, kéo dài như nhiều công trình khác.
Toàn dự án gồm 3 gói thầu xây lắp, trong đó gói số 1 làm đường phía Tây và mở rộng đường ven kênh, dài hơn 13 km từ quốc lộ 1, huyện Bình Chánh đến khu vực cầu Calmette, quận 1. Gói thầu số 2 dài 8 km làm đường mới Thủ Thiêm cùng hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) - hạng mục quan trọng nhất của dự án. Gói thầu số 3 là thiết bị cơ điện, công tác vận hành và bảo dưỡng hầm vượt sông Sài Gòn. Toàn tuyến xây mới 15 cây cầu, 5 nút giao, 12 cầu bộ cùng cải tạo 3 cây cầu cũ.
Ông Lương Minh Phúc, khi đó là Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây (hiện là Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông) cho biết, đây là tuyến đường lớn nhất từ trước đến nay ở TP HCM, nhiều đoạn địa chất phức tạp. Đặc biệt hầm vượt sông Sài Gòn là công trình Việt Nam chưa từng làm, cần những yêu cầu kỹ thuật, độ chính xác rất cao nên có thời điểm, công trường huy động hơn 1.500 kỹ sư, công nhân.
Sau hơn 4 năm xây dựng, tuyến đường thông xe đoạn từ quốc lộ 1 đến điểm giao giữa đường Hàm Nghi và Tôn Đức Thắng (quận 1) ngày 2/9/2009. Hầm vượt sông Sài Gòn và đường mới Thủ Thiêm hoàn tất hai năm sau đó. Ngày 29/4/2011, đại lộ Đông Tây chính thức được đặt tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; đoạn thuộc địa bàn quận 2 mang tên Mai Chí Thọ - nguyên Chủ tịch UBND thành phố.
Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ hoàn thành đã hiện thực giấc mơ của chính quyền và hàng triệu người dân, mở ra hướng mới cho sự phát triển của thành phố sau ngày đất nước thống nhất. Hàng nghìn căn nhà lụp xụp, cũ nát được thay thế bằng những công trình hiện đại, đô thị sầm uất.
Ngoài rút ngắn thời gian đi từ đông sang tây thành phố hơn nửa thời gian so với đường khác, đại lộ còn giúp khôi phục cảnh quan, dòng nước kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Công trình cải thiện môi trường, giao thông xung quanh, với hàng triệu dân tại 8 quận, huyện dự án đi qua. Trục đường được đánh giá là tuyến giao thông chiến lược, giúp kết nối khu trung tâm hiện hữu với Thủ Thiêm - tương lai là trung tâm mới thành phố.
Đại lộ còn là tiền đề TP HCM xây dựng nhiều dự án lớn tiếp theo. Trong đó hướng đông là cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đầu tư hoàn thành năm 2015; hướng Tây có dự án đường nối cao tốc TP HCM - Trung Lương. Trên tuyến đại lộ này, dự kiến năm 2023 sẽ có tuyến buýt nhanh (BRT) Số 1 chạy dọc, kết nối Metro Số 1.
Sau thời gian khai thác, đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ đang mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt xe chạy qua. Trong đó ở đường Mai Chí Thọ, nút giao An Phú - điểm kết nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên quá tải. Mới đây, HĐND thành phố đã đồng ý chủ trương làm dự án nút giao này với tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2025.
Gia Minh - Hà An