Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm nay cho biết Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong sẽ kế nhiệm ông với tư cách người lãnh đạo đất nước. Trước đó, ông Wong đã được chọn là người dẫn dắt "thế hệ lãnh đạo thứ tư" của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền.
Dù ông Lý cho rằng cuộc tổng tuyển tuyển cử tiếp theo vào năm 2025 "sẽ là cuộc chiến khó khăn", khả năng đảng PAP thất bại là rất thấp, khi họ đã khẳng định được năng lực cầm quyền hơn nửa thế kỷ qua. Điều này khiến ông Wong, 49 tuổi, gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Singapore.
Vài năm trước, Lawrence Wong là một công chức bình thường bắt đầu tham gia chính trị và không mấy nổi tiếng trên chính trường Singapore. Không như Thủ tướng đương nhiệm, vốn là con trai của cố lãnh đạo Lý Quang Diệu, ông Wong cho biết mình "chỉ xuất thân từ gia đình bình dân". Bố ông làm quản lý bán hàng cho một công ty tư nhân, còn mẹ từng là giáo viên.

Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong trong một buổi họp báo đầu năm nay. Ảnh: AP.
Ông Wong từng du học tại Mỹ bằng học bổng chính phủ Singapore, trước khi về nước làm công chức từ năm 1997. Ông có thời gian làm giám đốc Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore, sau đó trở thành thư ký riêng cho ông Lý Hiển Long. Năm 2011, Wong được bầu vào quốc hội, rồi được bổ nhiệm làm quốc vụ khanh giáo dục và quốc phòng hai tuần sau.
Đó cũng là chức vụ đầu tiên của Wong trong sự nghiệp chính trị. Ông tái đắc cử đại biểu quốc hội trong hai kỳ tổng tuyển cử năm 2015 và 2020. Wong âm thầm thăng tiến với những vị trí bộ trưởng khác, cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 và ông được chọn làm đồng chủ nhiệm ủy ban ứng phó Covid-19, khiến tần suất xuất hiện trên truyền thông của ông tăng vọt.
Giới chuyên gia đánh giá giai đoạn làm đồng chủ nhiệm ủy ban ứng phó Covid-19 là cú hích quan trọng đối với sự nghiệp chính trị của Wong.
Meredith Weiss, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New York, nhận định Wong đã xây dựng hình ảnh chính trị gia vừa có năng lực, vừa gần gũi và thức thời. Ông đạt được điều này khi vận dụng những nền tảng mạng xã hội mới như TikTok, đồng thời nhiều lần thừa nhận các quy chuẩn xã hội về giới tính và tính dục ở đảo quốc đang thay đổi mạnh mẽ.
"Vai trò của Wong trong ủy ban ứng phó Covid-19, cộng với các vị trí ông từng đảm nhiệm ở mảng giáo dục và tài chính cùng những vai trò khác trước đây trong chính phủ, đã phát huy tác dụng", Weiss đánh giá.
Đà thăng tiến của Wong trên chính trường Singapore diễn ra trong giai đoạn PAP đang khẩn trương tìm người kế nhiệm ông Lý Hiển Long. Thủ tướng Lý bước sang tuổi 70 hồi tháng 2, cột mốc từng được ông mô tả là thời điểm phù hợp để kết thúc sự nghiệp chính trị.
Thủ tướng Lý Hiển Long đã giữ vị trí lãnh đạo cao nhất trong chính phủ Singapore hơn 17 năm. Quá trình lựa chọn người kế nhiệm ông đã bị trì hoãn lâu hơn dự tính, theo phó giáo sư Michael Barr của Đại học Flinders tại Australia.
Đảng PAP đã nắm quyền tại Singapore hơn nửa thế kỷ qua, từ khi hòn đảo tuyên bố độc lập vào năm 1965. Giới lãnh đạo đảng chủ trương tìm người kế nhiệm đủ khả năng lèo lái chính phủ giữa bối cảnh chính trị trong và ngoài nước liên tục biến động.
Trong một thời gian dài, ứng viên sáng giá nhất kế nhiệm ông Lý là Phó thủ tướng Heng Swee Keat. Ông cũng từng được xem là người đứng đầu thế hệ lãnh đạo thứ tư tại Singapore. Tuy nhiên, Heng, 60 tuổi, đã tự rút khỏi "đường đua" vào năm ngoái vì lý do tuổi tác và thực trạng kinh tế Singapore có dấu hiệu suy thoái vì đại dịch Covid-19.
Ngay sau thông báo của Heng Swee Keat, nội các Singapore tái cơ cấu nhân sự. Lawrence Wong được giao vị trí Bộ trưởng Tài chính, mảnh ghép ông còn thiếu để hoàn thiện lý lịch chính trị nặng ký. "Thủ tướng Lý đã giao cho ông Wong thêm vai trò trong mảng tài chính, qua đó trao cho ông lợi thế so với Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung", theo phó giáo sư Barr. "Wong đã tận dụng rất tốt cơ hội".
Wong sẽ đối diện thách thức đầu tiên với cuộc bỏ phiếu nội bộ, chọn thành viên ban chấp hành trung ương PAP, dự kiến diễn ra trong năm nay. Cuộc bỏ phiếu sẽ đóng vai trò chính thức hóa vị thế lãnh đạo tương lai của ông Wong trong PAP, đưa ông đến vị trí cao hơn ở nội bộ đảng.
Singapore sau đó sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2023, sự kiện mang tính biểu tượng nhiều hơn là tác động chính trị, trước khi PAP bước vào "cuộc chiến khó khăn" như ông Lý mô tả trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc năm 2025.

Một người phụ nữ quét mã QR trước khi vào trung tâm mua sắm ở Singapore hồi tháng 5/2021. Ảnh: Reuters.
Bối cảnh trong nước và quốc tế đang xuất hiện một số yếu tố thuận lợi hơn cho ông Wong lẫn PAP. Nền kinh tế Singapore bắt đầu hồi phục sau giai đoạn thoái trào vì đại dịch Covid-19. GDP Singapore trong quý I tăng khoảng 3,4%, theo dữ liệu sơ bộ được công bố hôm 14/4.
Các quy định chống dịch và kiểm soát biên giới của Singapore dự kiến bắt đầu được nới lỏng từng bước. Chính phủ đảo quốc từ tháng này sẽ cho phép mọi du khách đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 nhập cảnh mà không cần cách ly. Đây là bước điều chỉnh quan trọng để khôi phục vị thế cầu nối kinh tế toàn cầu cho Singapore.
Với thông báo người kế nhiệm sớm ba năm trước thềm tổng tuyển cử, ông Lý Hiển Long và giới lãnh đạo PAP sẽ có nhiều thời gian để khởi động quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Ông Lý cũng đã đề cập khả năng điều chỉnh nội các càng sớm càng tốt.
Giới quan sát dự báo ông Wong sẽ được bổ nhiệm làm phó thủ tướng trong đợt điều chỉnh nhân sự tiếp theo. Cả ông Lý và người tiền nhiệm Goh Chok Tong đều từng giữ vị trí này trước khi trở thành thủ tướng Singapore.
Dù vậy, Wong vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giúp PAP củng cố niềm tin từ cử tri Singapore. Dù nền kinh tế Singapore khởi sắc trở lại, đảo quốc đang đứng trước nhiều thách thức từ tình hình quốc tế.
Những nước nhỏ như Singapore đang chịu nhiều áp lực địa chính trị từ cạnh tranh nước lớn, đặc biệt là đối đầu Mỹ - Trung ở khu vực, cũng như hệ lụy từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Đảo quốc cũng đang loay hoay tìm giải pháp cho một số thách thức nội tại như dân số già và chính sách phù hợp cho lao động nước ngoài.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, phe đối lập Singapore bất ngờ giành số ghế cao kỷ lục ở quốc hội. Sự kiện được coi như hồi chuông cảnh báo PAP về những thay đổi trong cách cử tri đảo quốc nhìn nhận về đảng cầm quyền, đặc biệt khi nền kinh tế quốc gia đã phát triển và đất nước hình thành một thế hệ cử tri trẻ tuổi đòi hỏi nhiều thay đổi.
Theo chuyên gia Meredith Weiss, thuyết phục người dân Singapore ủng hộ PAP tiếp tục lãnh đạo đất nước không phải việc dễ dàng, bởi cử tri đảo quốc đang có xu hướng mong muốn những điều mới mẻ.
Phó giáo sư Barr cũng dự báo ông Wong khó mang lại làn gió mới cho chính trường Singapore và khó có khả năng thoát khỏi chiếc bóng quá lớn của ông Lý Hiển Long trong một thời gian dài.
"Tôi vẫn kỳ vọng ông ấy đủ năng lực, ít nhất trong phạm trù điều hành. Ông ấy thậm chí có thể trở thành một chính trị gia xuất sắc. Chúng ta cứ chờ xem", Barr nhận định. "Tuy nhiên, tôi không cho rằng sẽ có sáng kiến táo bạo nào mới. Suy cho cùng, ông ấy cũng bước ra từ vườn ươm tài năng của ông Lý Hiển Long".
Trung Nhân (Theo Nikkei Asia)