Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện 6 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP HCM, trong đó có dự án Cát Linh - Hà Đông.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhân sự của tổng thầu và tư vấn đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống không kịp sang Việt Nam. Vì thế đến nay, tổng thầu chưa cam kết chính xác thời gian nghiệm thu, bàn giao dự án.
Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và Ban quản lý dự án đường sắt tập trung nghiệm thu, thanh toán để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho tổng thầu. Chính phủ cũng phối hợp chỉ đạo tổng thầu, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống sớm đưa nhân sự sang Việt Nam thực hiện các công việc còn lại.
"Phấn đấu cuối tháng 12/2020 sẽ hoàn thành công tác vận hành thử, diễn tập các tình huống để tư vấn chứng nhận an toàn hệ thống, đánh giá theo quy định. Tháng 1/2021 bắt đầu nghiệm thu tổng thể bàn giao dự án cho Hà Nội", báo cáo nêu và cho biết công tác bàn giao sẽ hoàn thành trong quý 1/2021.
Dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, ngoài trách nhiệm chính thuộc về tổng thầu thì chủ đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), Ban quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành. Tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư. UBND Hà Nội chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng. Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng. Hiện, dự án còn vướng mắc trong đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống và thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc đánh giá an toàn hệ thống được thực hiện bởi đơn vị tư vấn của Pháp (Liên danh Apave - Certifer - Trice) không có nhiều tiến triển. Tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ, kết quả thử nghiệm từ nhà sản xuất, chưa đánh giá đầy đủ bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường, dẫn đến chưa đủ cơ sở để tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu.
Do tổng thầu chưa cung cấp đủ các chứng chỉ, hồ sơ tài liệu kỹ thuật, thử nghiệm an toàn nên tư vấn độc lập chưa thể hoàn tất báo cáo cuối cùng về đánh giá an toàn hệ thống. Tư vấn đánh giá an toàn đưa ra giải pháp sẽ đánh giá kiểm chứng tại hiện trường trong thời gian vận hành 20 ngày cuối cùng và diễn tập các tình huống khẩn cấp.
Báo cáo chỉ ra quá trình vận hành thử toàn hệ thống sẽ đánh giá khả năng thành thục của nhân sự trực tiếp vận hành và khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp. Do đó, nếu không giải quyết triệt để các tồn tại sẽ ảnh hưởng đến công tác nghiệm thu và có khả năng phải kéo dài thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác. Thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng và xử lý vấn đề quản lý tài chính, kế toán...
Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói (EPC), nên việc thực hiện một số nội dung theo kết luận có những khó khăn. Chính phủ đang xem xét tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011, dự kiến vận hành vào quý II/2019, nhưng đến nay chưa xác định được ngày vận hành chính thức. Hồi tháng 6, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thiện, đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong năm 2020; báo cáo Chính phủ những vướng mắc của dự án, trình Quốc hội để có hướng xử lý.
Tuyến đường có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ.