Ngày 10/7, ông Đường Hồng - Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Tổng thầu Trung Quốc), cho biết dự án đang trong giai đoạn nghiệm thu các hạng mục công trình. Thời gian qua, Tổng thầu đã bổ sung các hồ sơ hoàn công theo yêu cầu của Ban quản lý dự án đường sắt và việc nghiệm thu "hiện nay được hai bên phối hợp tốt".
Dự kiến trong tháng 7, các hạng mục dự án nghiệm thu xong. Sau đó Tổng thầu sẽ được thanh toán kinh phí theo quy định của hợp đồng. Dự án vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày, trong thời gian này, chủ đầu tư sẽ mời Hội đồng nghiệm thu Nhà nước vào đánh giá. Trong quy trình tiếp theo, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiệm thu và bàn giao dự án cho Metro Hà Nội.
Hiện 31 chuyên gia của Tổng thầu Trung Quốc sang Việt Nam sau dịch Covid-19 đã hoàn tất cách ly, trở lại dự án làm việc. Trong đó, 12 người hàng ngày phối hợp với Ban quản lý dự án đường sắt làm công tác nghiệm thu, số còn lại kiểm tra vận hành các hạng mục ở hiện trường.
"Nếu các công việc diễn ra đúng kế hoạch, cuối năm 2020, dự án đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác", ông Đường Hồng nói.
Khi được hỏi về mốc thời gian chạy thử tàu 20 ngày, ông Đường Hồng cho hay "chưa được ấn định". Tổng thầu phải đợi chủ đầu tư thanh toán vì dự án cần có tiền mới có thể điều động nhân sự của các đơn vị cung cấp thiết bị sang Việt Nam.
"Gần đây, công tác ký duyệt hồ sơ của Ban quản lý dự án tốc độ nhanh hơn, quan trọng nhất trong vấn đề đẩy nhanh tiến độ là khâu thanh toán", ông Đường Hồng nói.
Ngoài công tác nghiệm thu, dự án còn cần được đánh giá an toàn kỹ thuật do tổ chức độc lập (liên danh Apave-Certifier-Tric) tiến hành. Theo đại diện Tổng thầu, "đơn vị tư vấn độc lập ACT vào dự án đánh giá an toàn hơi muộn và yêu cầu một số hồ sơ của giai đoạn trước mà Tổng thầu không thể đáp ứng". Do đó, tư vấn đã yêu cầu tiến hành thí nghiệm hiện trường một số hạng mục thiếu hồ sơ trước khi chạy thử tàu.
Trả lời về việc các thiết bị đường sắt bị ảnh hưởng như thế nào sau thời gian dài không vận hành, ông Đường Hồng nói các thiết bị điện trên toàn tuyến "vẫn phải lưu điện để đảm bảo không bị hỏng hóc". Thời gian qua, các kỹ sư người Việt Nam thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời các sự cố. Đến nay các hệ thống thiết bị, phương tiện được bảo vệ an toàn, tình trạng hoạt động tốt.
Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông dài hơn 13 km, có 12 nhà ga trên cao. Được khởi công năm 2011, dự kiến hoàn thành năm 2015, song dự án đã chậm tiến độ 5 năm. Tháng 9/2018, dự án vận hành thử liên động toàn hệ thống, dự kiến khai thác thương mại giữa năm 2019. Tuy nhiên, đến nay công trình chưa được toàn tất nghiệm thu để khai thác.
Đầu tháng 6/2020, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thiện, đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong năm 2020.