Kế hoạch xây dựng đường ống khí đốt Power of Siberia 2 là một trong những vấn đề quan trọng được Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình trao đổi khi lãnh đạo Trung Quốc thăm Nga ngày 20-22/3.
Dự án này được Phó thủ tướng Nga Alexander Novak hé lộ hồi tháng 9 năm ngoái, cho hay Power of Siberia 2 chuyển khí đốt tới Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thay thế đường ống Nord Stream 2 sang châu Âu.
Theo đó, Power of Siberia 2 là tuyến đường ống dài khoảng 2.600 km, đi qua Mông Cổ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế cần nhiều năng lượng của Trung Quốc. Ông Novak cho hay quá trình xây dựng đường ống dự kiến bắt đầu năm 2024.
Sau cuộc hội đàm với ông Tập ngày 21/3 tại Điện Kremlin, ông Putin phát biểu rằng Nga, Trung Quốc và Mông Cổ đã hoàn tất "mọi thỏa thuận" liên quan đến đường ống, thêm rằng hợp tác kinh tế với Bắc Kinh là một ưu tiên của Moskva.
![Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ ký thỏa thuận hợp tác ở Điện Kremlin, Moskva ngày 21/3. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/03/24/33BR8ZV-highres-8343-1679649176.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hPfX41e6QHWzjIkb96Eyog)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ ký thỏa thuận hợp tác ở Điện Kremlin, Moskva ngày 21/3. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, một tuyên bố sau đó từ phía Nga cho thấy dự án Power of Siberia 2 vẫn chưa được thống nhất và hai bên còn "một số chi tiết cần giải quyết". Phó thủ tướng Nga Novak ngày 23/3 cho biết chính phủ Nga đã chỉ đạo tập đoàn khí đốt Gazprom của nước này ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc sớm nhất có thể, kỳ vọng trong năm nay.
"Gazprom và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đang hoàn tất các điều khoản trong hợp đồng. Nghiên cứu khả thi đang được tiến hành, về thiết kế vị trí đường ống khí đốt qua lãnh thổ Mông Cổ", TASS dẫn lời ông Novak.
Trước chuyến thăm của ông Tập, ông Putin có bài viết đăng trên truyền thông Trung Quốc, mô tả đường ống Power of Siberia 2 là "thỏa thuận thế kỷ". Tuy nhiên, tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo chỉ cho biết các bên liên quan "sẽ nỗ lực để thúc đẩy nghiên cứu và phê duyệt" dự án. Các tuyên bố của ông Tập cũng không đề cập đến đường ống.
"Chúng tôi không thực sự nghĩ rằng các thỏa thuận liên quan đã hoàn tất, còn nhiều vấn đề cụ thể cần giải quyết", Wang Yuanda, nhà phân tích khí đốt Trung Quốc tại công ty dữ liệu ICIS, nói. "Nga lúc này dường như muốn bán khí đốt nhiều hơn là Trung Quốc cần mua".
Power of Siberia 2 sẽ vận chuyển khí đốt từ các mỏ với trữ lượng lớn ở bán đảo Yamal, tây Siberia của Nga sang Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới và đang ngày càng sử dụng nhiều khí đốt.
Theo một bản đồ do Gazprom công bố, Power of Siberia 2 sẽ đi qua miền đông Mông Cổ để đến miền bắc Trung Quốc. Gazprom bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của dự án từ năm 2020, đặt mục tiêu bắt đầu giao khí đốt trong năm 2030. Đường ống dự kiến vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, thấp hơn so với mức 55 tỷ m3 của đường ống Nord Stream 1 từ Nga sang Đức qua biển Baltic.
Nord Stream 1 dừng hoạt động đầu tháng 9/2022 sau một đợt bảo trì và tê liệt hoàn toàn sau các vụ nổ phá hoại trong cùng tháng.
![Hệ thống đường ống Power of Siberia và Power of Siberia 2 (dự kiến) chuyển khí đốt từ Nga tới Trung Quốc. Đồ họa: CNBC](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/03/24/Duong-ong-4698-1679649176.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7OVXLhFiPVKHPX9HzasWCA)
Hệ thống đường ống Power of Siberia và Power of Siberia 2 (dự kiến) chuyển khí đốt từ Nga tới Trung Quốc. Đồ họa: CNBC
Nga đề xuất xây Power of Siberia 2 từ nhiều năm trước, nhưng dự án gần đây trở nên cấp bách hơn, trong bối cảnh Moskva muốn tìm kiếm khách hàng mới thay thế châu Âu. Xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu đã giảm mạnh sau khi nước này mở chiến dịch ở Ukraine cuối tháng 2/2022.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc chưa cần thêm nguồn cung khí đốt cho đến sau năm 2030. Ngoài ra, việc Trung Quốc không đề cập đến đường ống trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa ông Tập và ông Putin cho thấy cán cân dường như đang nghiêng về phía Bắc Kinh.
Trung Quốc "không vội ký thỏa thuận trừ khi có đề xuất có lợi và được định hình theo các điều khoản do họ đưa ra", nhà nghiên cứu Maria Shagina, Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS), nói với AFP.
Khi Tổng thống Putin, Chủ tịch Tập và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh gặp nhau hồi tháng 9/2022, ông Khurelsukh nói ủng hộ xây đường ống từ Nga sang Trung Quốc qua Mông Cổ, thêm rằng cần nghiên cứu thêm yếu tố kỹ thuật và kinh tế.
Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai trả lời Financial Times hồi tháng 7/2022 rằng ông kỳ vọng Nga bắt đầu xây đường ống trong vòng hai năm nữa, nhưng lộ trình đường ống qua Mông Cổ chưa được quyết định.
![Công nhân Trung Quốc làm việc trên đường ống Power of Siberia đoạn qua thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, ngày 22/4/2020. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/03/24/afp-com-20200423-partners-035-2079-5412-1679649176.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ssRbjDjm4flbe6DnlMbNww)
Công nhân Trung Quốc làm việc trên đường ống Power of Siberia đoạn qua thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, ngày 22/4/2020. Ảnh: AFP
Nga đang chuyển khí đốt cho qua đường ống Power of Siberia 1, dài khoảng 3.000 km qua vùng Siberia của nước này đến tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, theo thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD trong vòng 30 năm được ký cuối năm 2019.
Lưu lượng khí đốt qua Power of Siberia 1 lên kỷ lục 15,5 tỷ m3 trong năm 2022 và Phó thủ tướng Novak kỳ vọng nâng lên 22 tỷ m3 năm nay. Đường ống dự kiến đạt công suất tối đa 38 tỷ m3 mỗi năm vào năm 2027.
Tháng 2/2022, Bắc Kinh đồng ý mua khí đốt từ đảo Sakhalin vùng Viễn Đông Nga, vận chuyển qua một đường ống mới qua biển Nhật Bản đến Hắc Long Giang, lưu lượng 10 tỷ m3/năm vào khoảng năm 2026.
Với dự án Power of Siberia 2, Nga dự kiến vận chuyển ít nhất 98 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc mỗi năm vào 2030.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng tính đến một đường ống trong hệ thống Trung Á - Trung Quốc để vận chuyển 25 tỷ m3 khí đốt mỗi năm trong 30 năm từ Turkmenistan qua Tajikistan và Kyrgyzstan đến nước này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã ký các hợp đồng dài hạn với Qatar, Mỹ và nhiều nước khác để mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Trung Quốc đã nhập khẩu 63,4 triệu tấn LNG trong năm 2022.
"Mục tiêu ban đầu của Trung Quốc là nhập khẩu 38 tỷ m3 khí đốt Nga vào năm 2025. Giờ đây, Nga nói rằng con số này sẽ đạt 98 tỷ m3 vào năm 2030. Đó là thay đổi rất lớn, vì vậy Trung Quốc cần thận trọng để tránh quá phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga", nhà phân tích Wang Yuanda nhận định.
Như Tâm (Theo Reuters, AFP)