Những video tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo (IS) xuất hiện gần đây cho thấy cảnh các nhóm phiến quân đi tuần tra đường phố ở Syria trên mẫu xe bán tải Toyota Hilux, cả đời cũ lẫn mới, và nhiều đoàn xe Toyota Land Cruiser dài di chuyển ở Libya.
Theo ông Mark Wallace, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, hiện là giám đốc điều hành Dự án Chống Chủ nghĩa Cực đoan, "Toyota Land Cruiser và Hilux gần như trở thành một phần của cái tên IS". Việc chúng sở hữu một đội xe Toyota là một yếu tố "rất đáng lo ngại", ông nói.
CNN hôm 7/10 đưa tin Bộ Tài chính Mỹ vừa yêu cầu Toyota cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh ở Trung Đông cũng như dây chuyền cung ứng quốc tế và dòng tiền của hãng ở khu vực này nhằm tìm cách lý giải nguyên nhân IS nắm trong tay nhiều xe Toyota như vậy.
Đường đi không quá khó
AFP cho hay dòng xe bán tải Toyota, cũng như của Mitsubishi, Huyndai và Isuzu, rất được phiến quân, các nhóm vũ trang, nổi dậy ưa thích vì chi phí hợp lý, thích ứng tốt và độ bền cao. Chương trình Top Gear của BBC từng thử phá hủy một xe bán tải Toyota bằng cách đốt, dùng bi sắt phá, thậm chí cho nổ tung. Nhưng các thợ cơ khí sau đó chỉ cần dùng một bộ đồ nghề cơ bản là có thể giúp chiếc xe hoạt động trở lại.
Xe Toyota, với khả năng thích nghi cao với địa hình sa mạc, được lực lượng đặc nhiệm Mỹ sử dụng rộng rãi khi tham gia chiến trận ở Iraq. Sau khi chính quyền tổng thống Saddam Hussein sụp đổ, lính Mỹ dần dần rút về nước nhưng nhiều đồ đạc, thiết bị, bao gồm cả các xe bán tải Toyota, vẫn ở lại. Một số xe lại do Mỹ viện trợ cho quân đội Iraq về sau này. Tại Syria, Mỹ cũng cung cấp xe Toyota cho phiến quân đường lối ôn hòa chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Giới phân tích cho rằng IS đã chiếm đoạt những chiếc xe Mỹ từ các nguồn kể trên trong quá trình bành trướng ở Iraq và Syria. Mùa hè năm ngoái, quân khủng bố thu giữ hàng trăm phương tiện, trị giá nhiều triệu USD, từ tay quân chính phủ, sau khi chiếm đóng thành phố Mosul, miền bắc Iraq. Rất có thể xe Toyota cũng nằm trong số này.
Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu dầu mỏ, cổ vật của IS vẫn rất phát đạt, đem về cho tổ chức lợi nhuận khổng lồ, lên tới hàng triệu USD mỗi ngày. Cây bút Scott Hough từ Inquisitr tính đến kịch bản với tiềm lực kinh tế mạnh, nhóm khủng bố sẽ dùng tiền để mua những chiếc xe Toyota cũ từ chợ đen, thậm chí với giá cao, nhất là trong bối cảnh an ninh ở miền bắc Iraq hiện tương đối lỏng lẻo, thiếu sự kiểm soát, đồng thời làn sóng chống chính quyền Tổng thống Assad ở Syria đang có chiều hướng gia tăng.
Theo Ed Lewis, giám đốc chính sách công và truyền thông Toyota tại Washington, công ty "có các thủ tục nhằm đảm bảo sản phẩm của hãng không bị chuyển đổi trái phép để sử dụng cho mục đích quân sự" nhưng ông cũng nhấn mạnh Toyota không thể kiểm soát hoàn toàn những kênh mua bán gián tiếp hoặc bất hợp pháp.
Theo số liệu bán hàng từ Toyota, lượng xe Hilux và Land Cruiser bán ra ở Iraq tăng từ 6.000 chiếc năm 2011 lên 18.000 chiếc năm 2013, sau đó giảm xuống còn 13.000 chiếc trong năm tiếp theo. Nhưng các con số này chỉ là bề nổi bởi đại diện của Tập đoàn Sumimoto Nhật Bản, đơn vị chịu trách nhiệm vận chuyển xe tới khu vực, khẳng định "không có cách nào" để lần theo dấu vết những chiếc xe bị cướp hoặc mua đi bán lại bất hợp pháp.
Một số báo cáo cho biết từ năm ngoái đến nay có hơn 800 xe Toyota bị mất tích ở Sydney, Australia. Chuyên gia nghiên cứu về khủng bố suy đoán những phương tiện này đã được chuyển lậu tới tay các chiến binh IS.
Ông Saad Maan, lữ đoàn trưởng thuộc quân đội Iraq, thì nghi ngờ các thế lực trung gian ở bên ngoài tuồn những chiếc xe này vào Iraq. Sau các trận giao tranh, chúng mới rơi vào tay nhóm khủng bố IS.
Nghi vấn IS sử dụng xe Toyota đã xuất hiện được vài năm. Năm 2014, đài phát thanh công cộng quốc tế PRI đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ chuyển 43 xe tải Toyota cho quân nổi dậy Syria. Đến nay, không ai rõ những chiếc xe này ở đâu hay nằm trong tay lực lượng nào.
Theo CS Monitor, nhìn chung, để vận chuyển một chiếc xe từ Mỹ sang các nước khác không phải một quy trình quá khó khăn. Những chiếc xe đã qua sử dụng thường được bán đấu giá. Bất kỳ ai trả giá cao nhất sẽ trở thành chủ nhân mới của phương tiện. Vì thế, chỉ cần qua từ hai đến ba lần giao dịch là một chiếc xe Mỹ sẽ nằm gọn trong kho của IS.
Điển hình như sự việc xảy ra hồi năm ngoái, chiếc xe của một thợ sửa ống nước ở Texas khiến dư luận nước Mỹ sôi sục khi nó xuất hiện trong một đoạn video tuyên truyền của IS ở Syria. Người đàn ông này không nắm thông tin gì về chiếc xe sau khi bán nó cho một nhà môi giới xe cũ. Song, số điện thoại và tên của công ty in trên thân xe khiến ông dễ dàng nhận ra đó là xe của mình, nhưng nay nó lại chở những kẻ khủng bố cực đoan, tay lăm lăm súng máy.
Giới quan sát khi đó cho rằng phải qua rất nhiều lần trao đổi thì chiếc xe mới có thể đi từ Nam Mỹ tới Trung Đông. Tuy nhiên, ông Andrew Collins, một người am hiểu quy trình này, khẳng định con đường để đem một chiếc xe cũ từ Texas đến Syria ngắn hơn thế nhiều lần.
Chiếc xe sẽ được chuyển tới đại lý ở Trung Đông chỉ trong vài ngày nếu dùng tàu chở hàng và người mua kế tiếp có khả năng sẽ là bên bán lại xe cho các tay súng IS, ông Collins cho hay.
"Tôi không biết liệu IS có người trong thị trường mua bán xe hay không. Tôi không biết gì về chúng cả. Nhưng rõ ràng người bán tại Mỹ thừa sức chuyển xe tới Syria để những người ở đây lắp vũ khí lên nó. Điều này không quá phức tạp", Collins bình luận.
Vũ Hoàng