Đây là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y dược TP HCM, cho biết phương thức lây truyền của vi khuẩn bạch hầu là lây truyền trực tiếp do hít phải chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh thông qua các giọt nước nhỏ li ti phát ra từ đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Bên cạnh đó, vi khuẩn trong chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh có thể lây nhiễm và tồn tại trên bề mặt của các đồ vật xung quanh người bệnh từ vài ngày đến vài tuần như trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần.
Hiếm gặp hơn, vi khuẩn có thể lây trực tiếp từ các sang thương trên da, là các nang dạng biểu bì, u mỡ, mụn cơm và nốt ruồi.
Nguồn lây truyền bệnh bạch hầu là người bệnh hoặc người lành mang mầm bệnh. Thời kỳ lây truyền thường là cuối thời kỳ ủ bệnh hoặc ngay khi khởi phát bệnh, có thể kéo dài từ hai đến bốn tuần. Trung bình, sau khi hít phải vi khuẩn 2-5 ngày, người sẽ phát bệnh.
Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm, nhất là trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, người cao tuổi sức đề kháng yếu hoặc những người mắc các bệnh mạn tính hoặc đang phải sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể.
Môi trường dễ bùng phát dịch là cộng đồng có mật độ dân số cao, vệ sinh không đảm bảo.
Trước đây, bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến. Từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế. Hàng năm chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không được tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Một số trường hợp mắc bạch hầu tử vong có thể do không được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt trẻ em. Các trường hợp hiếm gặp có thể do cơ địa có khiếm khuyết trong hệ miễn dịch nên không tạo được khả năng miễn dịch mặc dù được tiêm phòng đầy đủ.
Ngoài ra, người đã tiêm phòng bệnh bạch hầu hoặc từng mắc bệnh bạch hầu trong quá khứ vẫn có khả năng nhiễm lại do cơ thể không tạo ra miễn dịch hoặc khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine đầy đủ. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Thùy An