Là công nhân xưởng may ở Long Biên (Hà Nội), ông Hậu năm nay 54 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 34 năm. Hơn ba thập niên bên chiếc máy may khiến ông thường bị đau lưng, đau vai gáy, mờ mắt nếu ngồi lâu. Xương khớp nhức mỏi hơn vào những ngày trái gió hoặc chuyển mùa. Vài lần ông Hậu tính nghỉ hưu sớm, khi con cái đã lập gia đình, nhà cửa ổn định.
Song nỗi lo lương hưu thấp, tuổi già bệnh tật nhiều sẽ khó xoay xở, lại phải lụy con cái. Nếu nghỉ sớm trong khi tuổi hưu của nam giới đang tăng dần lên 62, ông Hậu phải đợi thêm 8 năm nữa. Tiếp tục làm việc, số năm đóng dư thừa tới 7, có thêm một khoản trợ cấp song không thấm vào đâu khi lương đóng BHXH của công nhân may chỉ nhỉnh hơn lương tối thiểu vùng.
Người đàn ông tóc muối tiêu thấy mừng khi công đoàn đề xuất hoán đổi năm đóng bảo hiểm thừa để lao động thiếu tuổi đời vẫn được hưởng tối đa 75%. Nếu đề xuất được thông qua, ông sẽ "gắng thêm ít năm vì cũng đã đi gần đến đích".
Ở tuổi 53, bà Nguyễn Thị Hải Hà, nhân viên cơ quan hành chính sự nghiệp tại Đống Đa (Hà Nội) lại quyết định về hưu vào cuối năm nay. Hơn ba năm nữa, bà Hà mới đủ tuổi nghỉ hưu trong khi tròn 4 tháng nữa là đủ 30 năm đóng BHXH.
Người thân biết ý định, khuyên bà tiếp tục đi làm "cho có chị có em, ngồi bàn giấy cũng nhàn". Nhưng bà bảo người trong cuộc mới biết công việc văn phòng không nhàn nhã như nhiều người lầm tưởng, ngược lại trăm dâu đổ đầu tằm, từ điều xe, tiếp khách cơ quan, gọi sửa điện nước, đến mua từng cuộn giấy vệ sinh.
"Đến năm 2027 tôi mới đủ tuổi nghỉ hưu, còn về sớm năm nay sẽ chỉ được hưởng 67%, khoảng 4 triệu đồng", bà Hà tính toán. Biết lương thấp sẽ đối diện nhiều rủi ro hơn do bệnh tật tuổi già, giá cả sinh hoạt có xu hướng tăng, song bà chấp nhận bởi "quá mệt, không thể tiếp tục".
Theo Bộ luật Lao động, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 3 tháng, nữ là 55 tuổi 4 tháng. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và 4 tháng đối với nữ đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Để hưởng mức lương hưu 75%, ngoài đủ tuổi, lao động nam phải đóng đủ 35 năm BHXH, nữ là 30 năm.
Thực tế có rất nhiều lao động như ông Hậu và bà Hà cảm thấy đuối sức khi theo đuổi mức lương hưu tối đa 75%. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê giai đoạn 2016-2021 có hơn 661.000 lao động nghỉ việc hưởng lương hưu hàng tháng, bình quân 110.000 người mỗi năm. Trong đó gần 66% lao động nhận trợ cấp một lần cho số năm đóng thừa BHXH hưởng lương hưu tối đa. Đồng nghĩa cứ 3 người nghỉ hưu thì 2 người sẽ được hưởng lương hưu tối đa 75%. Song đây phần lớn là người đi làm từ sớm, ở giai đoạn đầu tham gia vào hệ thống.
TS Phạm Thu Lan, Viện phó Công nhân Công đoàn, đánh giá việc tăng tuổi hưu khiến tuổi làm việc và tuổi hưởng lương hưu của lao động ngày càng có khoảng cách. Nhiều người đã chọn rút BHXH một lần chứ không muốn theo đuổi lương hưu tối đa 75%. Thống kê cho thấy giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.
Áp dụng hoán đổi năm đóng thừa cho thời gian thiếu tuổi hưu sẽ tạo thêm sự lựa chọn cho lao động. Đây cũng là mong muốn của phần đông lao động được bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Phúc, nêu ra tại hội thảo ngày 5/4. Bà Hà phân tích thừa một năm đóng BHXH được hưởng trợ cấp bằng 0,5 tháng bình quân tiền lương đóng tính ra không đáng là bao trong khi lao động nếu về hưu sớm phải bảo lưu hoặc nhận mức thấp.
Các cấp công đoàn kiến nghị đưa quy định bù đắp năm đóng BHXH thừa cho số năm thiếu tuổi để hưởng lương hưu tối đa vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến. Khảo sát trực tuyến của VnExpress với hơn 6.770 độc giả cho kết quả 95% đồng ý với đề xuất trên.
Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, thành viên ban soạn thảo, thừa nhận mức trợ cấp một lần với số năm đóng BHXH dư thừa chưa khuyến khích lao động. Dự thảo vì thế đưa phương án nâng mức trợ cấp một lần tối đa bằng 2 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm thừa.
Với đề xuất của công đoàn, ông Cường nói sẽ ghi nhận để hoàn thiện dự luật trước khi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chính thức trình Chính phủ.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến nhân dân đến tháng 4, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024. Dự luật có nhiều điểm mới, như đưa ra hai phương án tính lương đóng bảo hiểm xã hội, giảm số năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 để hưởng lương hưu; hai phương án rút BHXH một lần; bổ sung tầng trợ cấp với người không có lương hưu; thêm chế độ thai sản với người đóng BHXH tự nguyện...
Hết tháng 1/2023, cả nước có hơn 17,2 triệu người tham gia BHXH, trong đó khoảng 15,8 triệu người thuộc khu vực bắt buộc và 1,4 triệu người đóng BHXH tự nguyện, bao phủ 38% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Hồng Chiêu