Nửa tháng sau ngày cuối cùng tự cách ly tại huyện Ân Thi, Hưng Yên, Cáp Thị Yến, 21 tuổi, đang làm thủ tục bảo lưu việc học tại Đại học Huddersfield, Anh. Em sẽ ở lại Việt Nam một năm trước khi quay lại Anh học tiếp, chấp nhận thay đổi kế hoạch học tập và có thể gặp một số rủi ro.
Học hết năm ba Đại học Ngoại thương, Yến giành học bổng chương trình chuyển tiếp với một năm học ở Đại học Huddersfield. Em dự định hoàn thành chương trình vào cuối năm 2020, chỉ sau 3,5 năm học đại học. "Em đã cố gắng rất nhiều để tốt nghiệp sớm và hào hứng khi nghĩ đầu năm sau có thể đi làm", Yến nói. Thế nhưng, Covid-19 ập tới khiến dự định của Yến gần như đổ bể.
Trường Huddersfield chuyển sang dạy online. Để giảm chi phí và tránh lệnh đóng cửa, ngày 21/3 Yến về nước, đi cách ly tập trung. Sáu hôm sau, em phải chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu để điều trị do mắc Covid-19. Ngày 17/4, Yến được ra viện, tự cách ly tại địa phương. Đầu tháng 5, cuộc sống của Yến trở lại bình thường nhưng vẫn chưa thể bay sang Anh và trường vẫn dạy online.
Khả năng cao cả hai kỳ còn lại, trường Huddersfield đều dạy trực tuyến. Yến nghĩ đã du học thì phải học trực tiếp, trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài, chứ không thể học online nên quyết định bảo lưu. Sau khi liên lạc với trường để hỏi thủ tục, nữ sinh biết có thể gặp khó khăn khi xin visa trở lại vào năm sau nhưng chấp nhận. Thay vì cố lấy bằng sớm từ trường Huddersfield, Yến sẽ tập trung học ở Ngoại thương để lấy bằng đúng hạn. Một năm tới, Yến phải hoàn thành 8 môn và khóa luận tốt nghiệp.
Kế hoạch học tập và dự định đi làm phải thay đổi. Trong 1-2 tháng tới, Yến sẽ lên Hà Nội tìm nhà trọ, làm quen lại từ đầu. Tuy nhiên, nữ sinh Hưng Yên vẫn cho rằng mình may mắn khi về Việt Nam sớm. "Trong khi bạn bè ở Anh vẫn đang lo lắng dịch bệnh, muốn về Việt Nam mà không có chuyến bay thì em đã nhận được rất nhiều thứ trong hơn một tháng cách ly và điều trị Covid-19", Yến nói.
Điều đầu tiên là Yến được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Trước khi về Việt Nam, Yến không bao giờ nghĩ mình sẽ mắc Covid-19 bởi luôn cẩn thận làm theo các biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, thậm chí không dám tiếp xúc trực tiếp với những bề mặt kim loại như tay nắm cửa. Ở nhà trọ, với những sinh hoạt chung, em đều thực hiện lệch giờ với mọi người.
Đến khi tờ báo ở Bạc Liêu đưa tin "bệnh nhân 155 tên Cáp Thị Yến", cô gái vẫn không tin đó là mình bởi chưa nhận được thông báo từ bác sĩ và bản thân không có triệu chứng gì. Chỉ đến khi các báo trung ương đồng loạt đưa tin, bạn bè, người thân dồn dập nhắn tin hỏi, em mới dám chắc mình đã nhiễm virus. Em bật khóc khi nhìn những dòng tin nhắn, sợ hãi chúng hơn cả sợ virus.
Thế nhưng khi bình tĩnh nghĩ lại, Yến thấy mình may mắn vì đã về Việt Nam, được phát hiện với tên "bệnh nhân 155". Ở Anh, kể cả người có triệu chứng nhưng không nặng cũng không được xét nghiệm. Còn ở Việt Nam, dù không có triệu chứng gì, em được cách ly tập trung ngay khi nhập cảnh, được xét nghiệm để sớm phát hiện ra bệnh rồi được điều trị, chăm sóc hàng ngày miễn phí.
"Em rất cảm ơn vì điều đó. Với một người không có triệu chứng như em, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ lây lan cho cộng đồng", Yến nói.
Trong thời gian cách ly và điều trị, Yến có nhiều bạn mới. Do học nhanh hơn các bạn cùng trang lứa, Yến thường phải học cùng các anh chị hơn 1-2 tuổi. Vì vậy, em không có bạn bè sinh năm 1999 ở bên Anh. Khi vào khu cách ly và điều trị tại bệnh viện, em quen thêm nhiều bạn bằng tuổi cũng đang học ở Anh, thường xuyên trò chuyện với các bạn về cả cuộc sống và học tập. Đến giờ, Yến vẫn giữ liên lạc với những người bạn này.
Yến còn nhận được nhiều tình cảm từ người thân, bạn bè hơn những gì em nghĩ. Trong gần một tháng ở Bạc Liêu, em nhận được cả nghìn tin nhắn, cuộc gọi đến mức không thể trả lời hết. Danh sách người nhắn tin kéo dài, có những người cả năm không liên lạc, có những bạn học cùng từ cấp hai nhưng vẫn hỏi thăm tình hình khiến Yến bất ngờ, xúc động.
"Hôm bay về Nội Bài, địa phương và gia đình thuê hẳn xe cấp cứu lên sân bay đón em. Về tới xóm, người thân, các bác ra đón. Dù không tiếp xúc gần, em cảm nhận được họ quan tâm em rất nhiều chứ không hề xa lánh hay kỳ thị", Yến nói.
Về nhà, Yến được sắp xếp cách ly riêng ở nhà hàng xóm, vốn đang bỏ không. Một bác hàng xóm khác có khu vườn liền đó bảo nếu buồn có thể ra chăm sóc rau, hái dưa chuột ăn. Đứa em gái thường ngày hay cãi nhau với Yến cũng biết làm đồ ăn vặt mang qua cho chị.
Còn Yến tự cảm thấy đã thay đổi, học được nhiều thứ. Trước đó em mua sắm rất nhiều đồ, từ đồ vệ sinh cá nhân, đồ dùng trong nhà hay quần áo. Khi sang Anh, em mang tới 3 valy đồ và mua thêm nhiều vật dụng bên đó. Khi vào khu cách ly, Yến đã trải qua hơn một tháng sinh hoạt với một chiếc valy đựng vài bộ quần áo. Cô gái đã phải cười lớn khi phát hiện ra mình có thể sống tối giản đến vậy, quyết định sửa đổi thói quen mua sắm, vừa tiết kiệm, vừa gọn gàng hơn.
Một thay đổi khác là Yến cảm thấy không "bánh bèo" như xưa. Trước đây một tháng Yến mặc váy tới 26 ngày. Do về Việt Nam gấp, Yến để hết váy áo bên Anh. Về nhà tăng tới 5 kg, em thử thay đổi phong cách với sơ mi và quần bò cho thon gọn và thấy khá hợp. "Nếu không trong hoàn cảnh này, có lẽ em sẽ mãi là bánh bèo trong mắt mọi người, Yến cười nói.
Sau hơn một tháng cách ly tập trung, điều trị rồi lại tự cách ly, hiện Yến đã về nhà sinh hoạt cùng gia đình, được gặp gỡ bạn bè. Em tích cực chạy bộ bởi ở Anh thường xuyên đi bộ gần một tiếng mỗi ngày. Từ ngày 3/5, nữ sinh tham gia thử thách của Thành đoàn Hà Nội, trong 21 ngày phải chạy được 70 km. Yến còn dự định tự học tiếng Trung Quốc qua sách và Youtube với mục tiêu một năm sau sang Anh có thể giao tiếp bằng tiếng Trung với các bạn người Trung.
Về việc học tiếp chương trình của Đại học Ngoại thương, Yến hy vọng mọi chuyện suôn sẻ để không phải thay đổi kế hoạch một lần nữa. Em đặt mục tiêu đạt được bằng cử nhân xuất sắc. Điểm trung bình hiện tại của em là 3.58.