Ngày 29/3 là tròn một tuần Cáp Thị Yến, 21 tuổi, trở về Việt Nam và ở trong khu cách ly. Chưa biết khi nào mới ra khỏi nơi này, nhưng cô gái quê Hưng Yên đã không còn cảm giác sợ hãi, tủi thân.
Học hết năm ba Đại học Ngoại thương, Yến giành học bổng chương trình chuyển tiếp TOP-Up với một năm học ở Đại học Huddersfield, Anh. Qua Anh được hai tháng thì Covid-19 bùng phát, nhiều du học sinh quyết định về nước, riêng Yến nghĩ ở lại học tập, chủ động thực hiện biện pháp phòng dịch.
Ngày 18/3, trường đại học thông báo chuyển sang học online đến hết tháng 7, trong đó sinh viên được nghỉ lễ Phục sinh ba tuần, kể từ ngày 30/3. Sau tháng 7, sinh viên được nghỉ hè một tháng trước khi bắt đầu học kỳ mới vào tháng 9. Không phải đến trường trong 5 tháng, phí thuê nhà và sinh hoạt đắt đỏ, Anh lại chuẩn bị phong tỏa đất nước, Yến được khuyên về nhà.
Gọi điện cho gia đình và nhận được sự ủng hộ, Yến mua vé về Việt Nam. Em dự định sau khi cách ly tập trung 14 ngày thì có thể vừa học online, vừa đi chơi và đăng ký thêm môn học ở trường Ngoại thương để lấy bằng của hai đại học.
11h ngày 21/3 (18h theo giờ Việt Nam), do chuyến bay về Hà Nội hết vé, Yến lên chuyến bayVN50 từ London về TP HCM. Khi máy bay cất cánh, được thông báo sẽ xuống Cần Thơ, Yến và các hành khách khác vui vẻ chấp nhận.
6h30 sáng 22/3, Yến về đến Cần Thơ. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, em cùng mọi người lên ôtô 29 về khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Bạc Liêu. "Lúc đó, em không lo lắng gì, chỉ thấy hơi mệt do di chuyển nhiều từ vùng lạnh sang vùng nóng", Yến kể.
Từ hôm đó, Yến và 6 bạn cũng từ Anh về ở chung một phòng, sinh hoạt như hàng trăm người khác trong khu cách ly. Trừ những lúc vệ sinh cá nhân ở khu tập thể, Yến chỉ quanh quẩn trong phòng, ăn uống, nói chuyện với bố mẹ, bạn bè qua điện thoại, đến giờ thì mở máy tính ra học online.
Ngày 24/3, vừa ăn xong bữa trưa, Yến nhận được điện thoại của cô chủ nhà người Việt ở Anh. Sau khi hỏi thăm sức khỏe, cô thông báo một chị cùng nhà được xác định dương tính với nCoV. Dù rất ít tiếp xúc với người này do ở khác phòng, nấu ăn cũng lệch giờ nhau, Yến vẫn lo lắng.
Em nhanh chóng báo cho cán bộ ở khu cách ly và kể cho các bạn cùng phòng nghe, rồi tự thu mình trên chiếc giường đơn. Nhưng các bạn vẫn kéo Yến ra chơi bài UNO, chia đồ ăn cho em. Không ai xa lánh, bản thân vẫn khỏe mạnh nên Yến nghĩ mình không nhiễm bệnh.
Ngày 25/3, Yến và mọi người ở khu cách ly được xét nghiệm. Hơn 23h đêm 26/3, cán bộ đến phòng bảo Yến xếp hành lý đi lên tỉnh. Nữ sinh chột dạ hỏi "Em bị dương tính phải không" nhưng cán bộ nói chưa có kết quả. Yến hỏi tiếp "Sao chỉ mình em đi" thì cán bộ trả lời lên đó cho thoáng mát, ở đây chật chội.
Chỉ nghĩ mình phải rời đi do ở cùng nhà với một người mắc Covid-19, Yến chấp hành, lên xe cấp cứu cùng một bạn nam khác trong khu cách ly. Cả hai được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu trong đêm.
Đầu giờ chiều 27/3, các bạn cùng phòng gửi một mẩu tin trên báo Bạc Liêu ghi rõ tên Cáp Thị Yến dương tính với nCoV. Đọc tin, Yến không tin bởi chưa báo trung ương nào đăng cả, Bộ Y tế chưa xác nhận những ca mới. Bác sĩ ở bệnh viện cũng bảo chưa có kết quả xét nghiệm.
Đến 18h, báo chí đồng loạt liệt kê 10 bệnh nhân nhiễm mới, trong đó "bệnh nhân 155" được nêu rõ tên tuổi, giới tính, địa chỉ mà bất kỳ người thân, bạn bè nào đọc cũng nhận ra Yến. Mọi người chụp lại đoạn mô tả, gửi cho em và hỏi "Đó có phải là mày không", "Tại sao lại bị, lây qua đường nào"?
"Những câu hỏi dồn dập khiến em sốc và sợ hãi. Ngồi một mình giữa căn phòng 12 m2 với hai chiếc giường đơn, em bật khóc, cảm giác mọi chuyện đều là lỗi của mình. Em sợ những dòng tin nhắn hơn cả sợ virus dù biết mọi người chỉ đang quan tâm", Yến kể. Không thể trả lời tin nhắn của tất cả, Yến lấy điện thoại gọi về cho bố mẹ, vừa kể chuyện vừa khóc.
Được gia đình, thầy cô từ THCS đến đại học động viên, Yến dần lấy lại bình tĩnh. Em không có biểu hiện bệnh, vẫn khỏe mạnh và tuân thủ đầy đủ biện pháp cách ly nên tin tưởng sẽ khỏi và sớm xuất viện.
Hơn 6h ngày 28/3, tiếng điều dưỡng vang vọng qua camera nhắc Yến tỉnh dậy và ra lấy đồ ăn sáng. Sau bữa sáng, một chị điều dưỡng đưa quần áo mới đến phòng. Trong lúc Yến đi tắm, hộ lý bệnh viện tới đổ rác, khử khuẩn cả căn phòng rồi gom quần áo cũ của em đi giặt.
Ngồi học online và viết bài luận được một chút, một anh điều dưỡng nhắn tin qua Zalo bảo đo thân nhiệt và báo cáo lại kết quả. Các anh chị nhắc nhở Yến thường xuyên qua Zalo, camera có thu và phát tiếng lắp ở góc phòng và cả nói trực tiếp. Cứ hai ngày một lần, bác sĩ đến lấy máu và dịch để xét nghiệm.
Mỗi ngày ăn 3-4 bữa, uống hai viên thuốc, Yến bảo sinh hoạt điều độ hơn hồi ở Anh. Không đòi hỏi bất kỳ điều gì nhưng các anh chị điều dưỡng thường xuyên hỏi em có muốn uống hay ăn thêm gì không. Ngay cả khi Yến từ chối, các anh chị vẫn mang bánh ngọt, trái cây tới động viên "ăn cho khỏe".
Phòng điều trị thoáng mát, ngập tràn ánh nắng khiến Yến thấy vui vẻ. Em thoải mái vận động, học bài và trò chuyện với gia đình, bạn bè. Mỗi trưa, khi ra lấy đồ ăn đặt ở bàn góc hành lang, đi qua phòng bên cạnh, Yến không quên vẫy tay chào. Em còn đăng ký tín chỉ một môn ở Đại học Ngoại thương.
Ngày 29/3, ba lần đo thân nhiệt đều 36,5 độ C, không ho, không khó thở hay mệt mỏi, Yến tin sắp được ra viện. Em gửi lời xin lỗi đến mọi người vì đã làm tăng số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam, khiến bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ ở khu cách ly phải vất vả.
"Ở Anh, người nhiễm virus không được đưa đến bệnh viện mà phải tự cách ly. Về Việt Nam, em được vào bệnh viện, được điều trị với phác đồ riêng rồi xét nghiệm thường xuyên. Em cảm ơn mọi người vì luôn chăm sóc, chữa trị tận tình. Hy vọng những người nhiễm Covid-19 như em luôn lạc quan, tin tưởng vào các y bác sĩ Việt Nam và cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh", Yến nói.