Sem Srey Pech, 26 tuổi, quê ở tỉnh Kampong Cham, đã lên mạng cầu cứu Thủ tướng Hunsen vì bị chủ lao động ngược đãi. Cô cho biết bị đưa sang Trung Quốc làm việc và đã ở đây hai năm.
"Tôi rất khổ. Tôi không có điện thoại để liên hệ với bố mẹ. Tôi muốn lấy lại điện thoại và quay về Campuchia. Tôi không muốn làm việc ở đây nữa", Sem nói.
![Cô gái lên mạng cầu xin Thủ tướng Hun Sen giúp đỡ. Ảnh: Cảnh sát Campuchia](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/10/15/the-woman-appeals-to-0-8234-1602735671.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QVUhlbnKabMP_378hGBO1g)
Cô gái lên mạng cầu xin Thủ tướng Hun Sen giúp đỡ. Ảnh: Cảnh sát Campuchia
Bộ Ngoại giao Campuchia hôm 12/10 cho biết Tổng lãnh sự quán ở Thượng Hải đã làm việc với các nhà chức trách Trung Quốc để giải cứu cô gái.
Chiv Phally, giám đốc Cục Bảo vệ Vị thành niên và Chống buôn người thuộc lực lượng Cảnh sát Quốc gia Campuchia, hôm 14/10 cho biết "giới chức đã liên lạc với một tài khoản Facebook có tên Rina Rina, hỏi thông tin về nơi cô đang ở và cách liên hệ với người thân tại Campuchia". Sem Srey Pech sẽ ở lại Tổng lãnh sự quán Campuchia tại Thượng Hải trước khi hồi hương cuối tháng này.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen bắt đầu lập tài khoản Facebook từ tháng 9/2015 và trang cá nhân của ông đến nay có tới 13 triệu người theo dõi. Ông thường xuyên cập nhật tin tức và giao lưu với người dân trên trang mạng xã hội này.
Tháng 3/2006 Kong Chamroeun, 28 tuổi, được trả tự do sau khi bạn gái quay video cầu cứu gửi lên Facebook của Thủ tướng Hun Sen. Cô cho biết bạn trai đang ngồi tù chờ xét xử vì bị buộc tội trộm cắp 80 USD của công ty, dù anh không hề phạm tội. Cô cáo buộc cảnh sát đã chèn ép Chamroeun, buộc gia đình anh phải trả 2.000 USD mới trả tự do. Một ngày sau khi cô gái cầu cứu, cảnh sát đã thả Chamroeun, xóa bỏ mọi cáo buộc.
Hồng Hạnh (Theo Phnom Penh Post)