"Các nước phương Tây không chú trọng những thành tựu vĩ đại của Campuchia suốt 4 thập kỷ qua. Campuchia đã trở thành nạn nhân của những chương trình nghị sự chính trị và tiêu chuẩn kép", Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong bài viết được đăng trên tờ Phnom Penh Post hôm 21/9.
Ông cho rằng những nước phương Tây "lấy vấn đề nhân quyền làm công cụ chính trị và cái cớ để can thiệp vào tình hình nội bộ, xâm phạm chủ quyền và độc lập của Campuchia và một số quốc gia khác".
Bài viết được công bố trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 8 đình chỉ một phần ưu đãi thương mại với Campuchia với cáo buộc "vi phạm nhân quyền", trong đó có yêu cầu đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập phải giải tán.
CNRP bị giải tán trước cuộc tổng tuyển cử năm 2018 với cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ. 118 thành viên đảng này bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm kể từ năm 2017, trong khi lãnh đạo Kem Sokha bị buộc tội phản quốc và thông đồng với Mỹ để lật đổ Thủ tướng Hun Sen.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 15/9 thông báo đưa tập đoàn phát triển bất động sản Union Development Group (UDG) thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc vào danh sách đen do các hoạt động liên quan tới dự án Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong, Campuchia.
Mỹ cáo buộc tập đoàn Trung Quốc thâu tóm đất đai của người dân để phát triển dự án, phá hoại môi trường, ảnh hưởng tới đời sống các cộng đồng địa phương, thêm rằng một tướng cấp cao của Campuchia đã hỗ trợ hoạt động của UDG. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cho biết có những báo cáo đáng tin cậy rằng "Dara Sakor có thể được sử dụng để lưu trữ khí tài quân sự Trung Quốc".
Các biện pháp trừng phạt được Washington đưa ra dựa trên Đạo luật Magnitsky Toàn cầu, cho phép chính phủ Mỹ nhắm mục tiêu vào các đối tượng vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới thông qua việc đóng băng tài sản của họ hoặc cấm người Mỹ kinh doanh với họ.
UDG và chính phủ Campuchia từng nhiều lần bác bỏ các thông tin từ truyền thông phương Tây rằng dự án Dara Sakor phục vụ mục đích quân sự.
Vũ Anh (Theo Phnom Penh Post)