(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net)
Luật sư Khanh sống và làm việc tại Mỹ, chia sẻ bài viết về biểu tượng sau thông tin Tòa án dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng xét xử.
Trên thế giới có khá nhiều biểu tượng. Tôi may mắn đã tới thăm tháp Eiffel (Pháp), tượng Nữ thần Tự do (Mỹ), nhà hát con sò và cầu cảng Sydney (Australia), tháp đồng hồ Big Ben (Anh), và cả Nhà trắng (Mỹ) nữa. Tôi rút ra kết luận rằng, điểm chung nhất của các biểu tượng đó là chúng đã được tạo ra không phải để trở thành biểu tượng.
Nhiều công trình trong số đó được tạo ra để phục vụ những mục đích thực dụng, như cầu Sydney là để đi, Nhà Trắng thì để tổng thống ở. Tháp Eiffel thậm chí cũng có khởi đầu là để triển lãm và bị chê tơi tả là xấu quá. Tượng Nữ thần Tự do là do Pháp tặng cho Mỹ chứ người Mỹ không bỏ tiền để đúc ra. Nói cách khác, bức tượng này là một món quà ngoại giao chứ không phải được tạo ra để trở thành biểu tượng.
Tôi cũng gặp rất nhiều bức tượng ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng là tác phẩm nghệ thuật được làm ra để trang trí. Một số có ý nghĩa gắn liền với nơi chúng được dựng lên, như là một vị tướng ngày xưa có công trong việc bảo vệ thành phố thời chiến, một số là một nhân vật nào đấy không liên quan, và một số không có ý nghĩa gì cả, như tượng người đàn ông thò đầu lên từ cống ở Bratislava.
Thậm chí bức tượng nổi tiếng thứ hai ở nước Mỹ - tượng Havard, còn được cho là do được tạc từ hình mẫu một sinh viên đẹp trai chứ không giống ông Havard trong đời thực. Nó rất nổi tiếng, nhiều người tới ngắm và chụp hình rồi sờ vào mũi giày bên trái. Tượng được xem trọng bởi vì nó đẹp và phù hợp với cảnh quan.
Vì vậy kiến trúc và các tác phẩm nghệ thuật có liên quan thường chỉ dựa trên nền tảng là cái gì thực dụng, còn tính thẩm mỹ của nó là để cho phù hợp với hoàn cảnh mà thôi. Cho nên toà án thường hay có trần cao tôn nghiêm, nhà hát thì phải có nhiều tầng cho khán giả ngồi, còn sân bay thì vẻ đẹp bên trong mới quan trọng, chứ còn nhìn từ trên cao nó giống cái gì không quan trọng, bởi vì ngoài phi công ra thì có mấy ai nhìn thấy toàn cảnh sân bay từ phía trên đâu.
Đó là quan điểm chung của tôi về việc thiết kế dựng tượng.
>> Tranh luận dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng xét xử
Đối với ý tưởng dựng tượng vua Lý Thái Tông trước cửa toà án nhân dân tối cao, tôi cảm thấy hơi kỳ lạ. Nguyên vì bản thân một bức tượng không có gì là sai lầm, các toà án nhiều nơi cũng có tượng, nhưng vì sao lại chọn là vua Lý Thái Tông và cần phải giải thích là tri ân vị vua này do những đóng góp của ông với ngành pháp luật?
Rốt cục thì tượng vua có phù hợp với quang cảnh chung về mặt thẩm mỹ hay không? Vua thì tất nhiên phải mặc long bào, những kiểu y phục như vậy phải thiết kế thế nào để phù hợp với một toà nhà hiện đại được sử dụng thường xuyên? Một bức tượng cao 5,3m là rất cao, phối hợp tượng với quang cảnh chung sao cho phù hợp không thấy ai nói.
Những câu chuyện về việc xây dựng những công trình quan trọng ở Việt Nam dường như hay quay quanh việc "biểu tượng" mà không liên quan nhiều tới mục đích sử dụng. Cho dù chỉ là một bức tượng cũng vậy, nó sẽ có ý nghĩa nếu nó xinh đẹp và phù hợp cảnh quan. Còn như tiêu xài vào một bức tượng để tri ân một vị vua thời xưa mà bắt vua mặc long bào đứng giữa khung cảnh hiện đại thì không phù hợp.
Dòng chảy ngầm trong cuộc tranh cãi này thật ra chỉ là việc chi tiêu công. Vào thời điểm này thì chi tiêu công là một vấn đề nhạy cảm và vì vậy bức tượng chưa được đúc đã nhanh chóng trở thành mục tiêu bàn cãi.
Nhưng cho dù là tượng được tài trợ bởi các nguồn lực tư hay do nhân viên toà án góp tiền đi chăng nữa thì tượng vẫn phải đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ. Xét cho cùng, mọi bức tượng đều là tác phẩm nghệ thuật, nếu nó không đẹp và không phù hợp với cảnh quan thì sẽ không có chút ý nghĩa gì cả.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh