"Tôi vừa bị chuyện như thế này, và đây là lần thứ hai tôi gặp phải:
Mới đây, tôi đi ăn ở một quán (không quen lắm), giá tiền cho suất ăn sáng của tôi là 35 nghìn đồng, tôi đưa tiền mặt cho cô chủ là tờ 50 nghìn đồng, sau một hồi nhìn, tìm kiếm trong xấp tiền của mình thì cô chủ rút ra tờ 10 nghìn đồng nói với tôi 'em thiếu nợ anh 5 nghìn nhé'.
Tôi giật mình, không hài lòng nhưng vẫn im lặng ra về.
Hôm qua tôi lại bị, lần này là một quán rất quen. Cũng suất ăn 35 nghìn đồng, tôi cũng đưa tờ 5 nghìn đồng và được trả 10 nghìn đồng với thông báo 'em nợ anh 5 nghìn nhé.
Điều quan trọng là tôi để ý thấy các cô chủ kia đều sẵn trong tay tờ 20 nghìn đồng hoặc hai tờ 10 nghìn đồng nhưng họ lại chủ động thiếu nợ tôi mà không phải là cho tôi nợ 5 nghìn bằng cách đưa tôi 20 nghìn đồng.
5 nghìn đồng không phải là một số tiền lớn để quan tâm hay nhớ 'nợ' nhưng người kinh doanh không hiểu một điều quan trọng là: Quán nên chủ động cho khách nợ chứ không nên nợ khách hàng.
Tôi gặp tình huống này rất nhiều do tôi không để tiền lẻ trong ví. Tôi thường nói với quán cho ra xe lấy tiền lẻ và họ thường xua tay bảo anh cứ đi, hôm khác trả cũng được. Tất nhiên, tôi ra xe lấy tiền lẻ rồi quay lại ngay. Với cách ứng xử này, khách sẽ tìm cách sớm quay lại để ăn ở quán đấy và trả món nợ 'bé tí ti' kia. Ngược lại (như tôi, tạm cho là người khó tính), khách có thể không quay lại quán đấy nữa và họ sẽ phải nợ tôi mãi mãi, không có cơ hội trả nợ đâu".
Độc giả Như Ngọc kể lại hai tình huống gặp phải về vấn đề tiền lẻ như trên, sau khi ăn suất ăn sáng 35 nghìn, đưa tờ 50 nghìn và chủ quán xin nợ 5 nghìn đồng. Bình luận này được viết sau bài Khách tự ý chuyển khoản 500 nghìn rồi bắt thối lại 470 nghìn đồng.
Những chia sẻ này nằm trong chuỗi những tình huống khó xử khi thanh toán bằng cách chuyển khoản hoặc thiếu tiền lẻ khi đi mua sắm, ăn uống.
Thành Đô tổng hợp