"Xung quanh tôi cũng có vài người đầu U50 lo thất nghiệp, dù họ đều có bằng đại học, kinh nghiệm, làm việc tốt ở ngân hàng hay công ty nước ngoài hoặc trong nước.
Giờ đây, nhiều nơi muốn sa thải nhân viên U50, ép họ vào khối công việc chỉ tiêu khó nhằn, không trụ được thì tự nghỉ, hoặc công ty sa thải cả phòng vì không còn đơn hàng.
Vì vậy, đừng trách gen Z khi nhảy việc liên tục vì những người trung thành rồi đến U50 cũng chẳng mấy ai được trân trọng".
Độc giả nickname Con yeu bình luận như trên, sau bài viết U50 thất nghiệp bị 'đẩy' ra lề đường vì mãi không xin được việc. Liên hệ với vấn đề Gen Z hay nhảy việc, từng được thảo luận trên diễn đàn, độc giả này cho rằng đừng trách thế hệ Z nhảy việc, vì thị trường việc làm ngày càng khó lường.
Nói thêm về vấn đề, độc giả nickname ngocyenktt bình luận:
"Chưa năm nào như 2023 và 2024, khi tôi thấy trên nhiều diễn đàn phụ nữ có vô số người túng quẫn, khổ sở khóc than. Họ thất nghiệp khi con cái còn độ tuổi đi học, cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai. Nếu có chồng, họ còn đỡ; nhưng nhiều người đã mất chồng, hoặc là mẹ đơn thân.
Họ chạy đôn chạy đáo tìm việc trong khi thị trường lao động đầy sinh viên mới ra trường, khiến phụ nữ trên 35 tuổi đã khó xin việc, huống chi có những chị em ngoài 40.
Nhiều người bị công ty sa thải vì công ty gặp khó khăn, hoặc có thể do tuổi tác khiến họ chậm chạp, không còn năng động để đáp ứng công việc.
Ở độ tuổi này, phụ nữ làm văn phòng, nếu không có tài sản tích luỹ, phải chấp nhận làm bất cứ việc gì: giúp việc, công nhân, lao động chân tay, miễn sao đảm bảo cái bụng mình và con cái no trước đã... Thật thương".
Độc giả huvi nói:
"Thực ra, không chỉ công nhân mà cả khối văn phòng và nhiều ngành nghề khác đều đối mặt với khó khăn khi tuổi chạm ngưỡng 40. Cánh cửa tìm việc chính thống dường như hẹp lại, thậm chí một số công ty còn nêu rõ điều này trong hồ sơ tuyển dụng.
Ngay cả trong ngành nhân sự, cũng có những định kiến khi lựa chọn nhân sự sau 40 tuổi (hiện tại độ tuổi này đang giảm dần, có khi 35 đã khó xin việc).
Lý do thì nhiều: sức khỏe giảm, lương thâm niên cao, năng lực bị đánh giá thấp, suy nghĩ cũ kỹ, không nhanh nhẹn bằng người trẻ...
'Gừng càng già càng cay' cũng chỉ là thiểu số, và chỉ áp dụng trong một số ngành nghề nhất định, không phổ biến".
Nhận định về tình hình việc làm trong tương lai, độc giả hongnhungpaticusi cho rằng:
"Các doanh nghiệp tuyển người khi cần và sa thải khi không cần, họ không phải là cái phao để người lao động bám víu mãi mãi, vì chính họ cũng có thể phá sản bất cứ lúc nào.
Ở bất cứ ngành nghề, vị trí nào, khi công nghệ mới như robot và AI phát triển, thất nghiệp càng gia tăng. Phần lớn người lao động vẫn trong tình trạng 'nước đến chân mới nhảy' dù biết là ngày này cũng sắp đến với mình.
Thôi thì cứ tin rằng nước lên thuyền lên, nước xuống thuyền xuống. Chỉ một số ít người mới có thể chủ động được chuyện thất nghiệp mà thôi".
*Quan điểm của bạn thế nào ?
Chia sẻ bài viết về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Thành Đô tổng hợp