"Phải nhìn vào thực tế là công việc và ngành nghề tại Việt Nam đa phần đã tụt hậu so với sự phát triển giáo dục mà Gen Z đã tiếp nhận. Hay cách khác là họ cá nhân hơn, khôn ngoan hơn.
Tại sao tôi phải trung thành, làm lâu, cống hiến ở một môi trường tôi có thể nhìn rõ mức lương 30 năm sau của mình và của những người xung quanh nhỉ?
Họ trẻ, họ có sức, có quyền khát khao và họ chẳng sợ nhảy việc. Xã hội nhiều người bây giờ chạy theo thành công, giàu có chứ còn mấy ai chạy theo bát cơm, quả trứng, đĩa rau luộc.
Do đó doanh nghiệp cũng phải nhìn lại mình để chuyển mình thích nghi là đúng. Gen Z họ nhảy được là chứng tỏ còn rất nhiều công ty có tâm, tầm cao hơn công ty hiện tại. Ai cũng phải lo cho cái thân mình trước. Nhà tuyển dụng giỏi cũng phải khéo chọn, mới sử dụng tốt nhân viên".
Độc giả Phăn đưa ra nhận định thực tế, công việc và ngành nghề tại Việt Nam không theo kịp sự phát triển giáo dục mà Gen Z đã tiếp nhận, khiến họ có xu hướng nhảy việc vì không thấy tương lai rõ ràng trong môi trường hiện tại, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi và giữ chân nhân tài.
Ý kiến này được nêu ra sau bài viết Doanh nghiệp tìm cách thích nghi với Gen Z. Thế hệ Gen Z được đánh giá là nhiều tiềm năng, sáng tạo và nhanh nhạy với chuyển đổi số.
Tuy nhiên, xu hướng này đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp khi có đến 75% người đi làm thừa nhận cảm thấy "xung đột thế hệ" tại nơi làm việc. Trong khi đó, thời gian gắn bó bình quân của thế hệ Z với một công ty chỉ 2,2 năm.
Độc giả lykimthang22 đánh giá Gen Z có tư duy khác biệt và linh hoạt, không còn mong gắn bó suốt đời với một công việc vì mức lương tăng chậm không đủ để tích lũy mua nhà an cư.
Thay vào đó họ tìm kiếm thu nhập cao hơn, cơ hội phát triển cá nhân, và môi trường làm việc cân bằng, phù hợp với sự phát triển của các nền tảng số và cơ hội tự do sáng tạo:
"Thế hệ trẻ có tư duy khác biệt, phù hợp với môi trường kinh tế và xã hội hiện tại. Cách đây 20-30 năm người ta mong kiếm được công việc tốt và gắn bó suốt đời, tăng lương theo thâm niên.
Nhưng tư duy này đã thay đổi khi trong 30 năm giá đất đã tăng 400 lần, trong khi lương chỉ tăng 20 lần. Nếu vẫn giữ tư duy của thế hệ 8X, 9X thì gen Z ngày nay làm cả đời cũng không an cư lạc nghiệp nổi. Chưa kể doanh nghiệp chuộng lao động trẻ và sa thải lao động mới hơn 30 tuổi.
Khi lớp trẻ có nhu cầu thu nhập và công việc cân bằng sẽ không phù hợp với các doanh nghiệp đã quen với truyền thống tăng ca không tính phí, dồn công việc ép tăng ca.
Thêm đó là rất nhiều cơ hội phát triển cho các bạn trẻ năng động, biết tạo thương hiệu bản thân, các nền tảng như TikTok, Youtube, Instagram khiến chi phí marketing dành cho các cá nhân nhỏ lẻ giảm mạnh. Ngày nay một KOL với một triệu người theo dõi có sức mạnh áp đảo một công ty tiếp thị truyền thông quy mô hàng chục nhân viên.
Đi theo đó là thu nhập tương xứng, thời gian làm việc thoải mái, tiềm năng phát triển vô hạn thì không lý do gì phải co cụm vào một nơi hàng năm trời".
Độc giả Nguyễn Văn Cảnh nêu vài nội dung mà doanh nghiệp lẫn người lao động cần phải nhìn nhận để thay đổi:
"Thứ nhất. Nhiều doanh nghiệp đối với Gen Z thì chê là mong manh dễ vỡ, ham chơi, ít làm, không chịu khó chịu khổ. Gen Y như 8X chẳng hạn thì lại bị chê là già, khó bảo, khó thích ứng, trong khi họ mới ở độ tuổi 3X, vẫn còn trẻ khỏe, nỗ lực làm việc, tích lũy kinh nghiệm bao năm.
Thứ hai, các chủ doanh nghiệp, lãnh đạo cao cấp có những quyết định cứng rắn. Nguyên tắc bỏ tiền ra thuê ai thì phải tối thiểu thu được lợi nhuận từ người đó, và tổng thể công việc phải trôi chảy để kiếm lợi lâu dài.
Con người không hoàn hảo, các công ty, doanh nghiệp cũng không hoàn hảo, sao lại đòi hỏi nhân sự hoàn hảo kiểu lương thấp mà giỏi giang, đa nhiệm, không phàn nàn, phấn đấu hết tuổi thanh xuân cho công ty?
Tôi thấy một số doanh nghiệp nước ngoài còn đãi ngộ, chia cổ tức, cổ phần cho nhân viên để họ phấn đấu. Còn ở Việt Nam, một số người không thích đào tạo, thích ăn sẵn.
Người lao động cũng nên xem lại mình, phải cập nhật, nâng cao kiến thức. Về sức khỏe, nhiều bạn tuổi 2X quá ham hố trà sữa, các anh trai thì ham bia nhậu, lại lười thể thao vận động. Nhiều người tuổi 3X đã có dấu hiệu tuổi già, làm việc kém, năng suất, kỹ năng không tăng.
Đương nhiên chủ hay quản lý họ chán là phải rồi".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.