Bác sĩ Lê Vi Anh, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết 99 ngày không lây nhiễm cộng đồng vừa qua, nhiều người chủ quan và quên cách phòng tránh căn bản như đeo khẩu trang, dùng nước sát khuẩn. Trong đó, nước sát khuẩn tay nhanh hay nước rửa tay khô có khả năng diệt các loại vi khuẩn, virus, mầm bệnh gây hại đến sức khỏe, khiến chúng không phát triển nữa và bảo vệ bàn tay sạch sẽ trong thời gian dài nhất có thể. Nhiều loại nước rửa tay, sát khuẩn còn có thể chứa thành phần dưỡng chất, vitamin giúp cho bàn tay của bạn luôn được mềm mại.
Nước sát khuẩn tay nhanh hay nước rửa tay khô có dạng xịt hoặc gel, thường được đóng vào chai nhỏ có thể tích khoảng 30-70 ml, thuận tiện để mang theo bên người. Bạn chỉ cần cho một lượng đủ để làm sạch cả bàn tay và ngón tay vào tay, thoa đều trong vòng 30 giây đến khi khô hẳn và không cần rửa lại bằng nước.
Bác sĩ khuyến cáo, nên dùng nước sát khuẩn sau trong các trường hợp tay bẩn không nhìn thấy rõ ràng như trước và sau khi ăn, khi hoạt động ngoài trời, sau khi cầm tiền, sau khi giao tiếp, đi tàu xe hay vào bệnh viện.
Nên sử dụng nước rửa tay trong trường hợp không có nước và xà phòng, tuyệt đối không lạm dụng. Khi dùng, phải đi kèm với các phương pháp khác như vệ sinh ăn uống, khẩu trang, tránh nơi đông người... Hạn chế mua những loại nước rửa tay có mùi hấp dẫn, có thể kích thích trẻ muốn nếm thử. Khi trẻ sử dụng cần có sự giám sát của bố mẹ.
Theo bác sĩ, trước diễn biến dịch, rửa tay với xà phòng trong 20 giây là lựa chọn được khuyên sử dụng ưu tiên. Các thời điểm rửa tay cần thiết là ngay sau khi về nhà; sau khi ho, hắt hơi; sau khi cầm, nắm, tiếp xúc với các vật dụng có nguy cơ như: bảng điều khiển thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can...; sau khi đi vệ sinh; sau khi vệ sinh cho trẻ, người ốm; trước khi ăn; trước và sau khi chế biến thực phẩm và khi bàn tay bẩn.
Trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng chế phẩm sát khuẩn tay hoặc dung dịch cồn y tế chứa ít nhất 60% cồn để diệt khuẩn tay. Lựa chọn nước rửa tay có rõ nguồn gốc để không gây hại cho da mà không tiêu diệt được mầm bệnh.
Để phòng tránh lây nhiễm dịch, mỗi người cần nâng cao cảnh giác, phòng bệnh hơn chữa bệnh, tuân thủ khuyến cáo của bộ Y tế. Đeo khẩu trang khi ra đường. Khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng phải được cho vào túi đựng rác thải riêng có nắp đập và mang đi xử lý hàng ngày.
Tránh dùng tay chưa rửa chạm vào mắt, mũi và mồm. Dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay che mũi và miệng khi hắt hơi, ho, sổ mũi và rửa tay ngay. Làm sạch và khử trùng thường xuyên các bề mặt và vật dụng mà bạn hay chạm vào.
Tại hộ gia đình cần làm sạch, khử khuẩn các bề mặt và vật dụng hàng ngày. Các khu vực thường xuyên chạm vào như mặt bàn, tay nắm cửa, dụng cụ cầm tay, bàn, nhà vệ sinh, vòi, bồn rửa cần được ưu tiên làm sạch và khử khuẩn. Nếu bạn bị sốt, ho và khó thở hãy đến cơ sở y tế sớm để điều trị kịp thời.
Thùy An