Thứ sáu, 29/11/2024
Thứ ba, 6/2/2024, 10:06 (GMT+7)

Dựng lều, mắc màn canh hoa Tết ở Sài Gòn

Tại các chợ hoa Tết, người bán, đa số đến từ các tỉnh miền Tây, mang theo võng, chăn màn... thức trắng đêm, để canh giữ hàng.

Hơn chục ngày nay, khi hoa Tết đổ ra công viên, vỉa hè, nhiều người bán phải thay nhau thức đêm trông. Mỗi gian hàng đều có những chiếc giường ngủ dã chiến, lều bạt, võng để tiểu thương có chỗ ngả lưng canh hoa.

Lúc 0h ngày 27 Tết (6/2) ở công viên Gia Định, quận Phú Nhuận, khi người mua thưa dần, bà Đặng Thị Bình bắt đầu giăng màn giữa bãi cỏ chợp mắt vài tiếng. Trời lạnh, người phụ nữ quê Bến Tre dùng túi nylon phủ lên màn để tránh sương. "Tết năm ngoái cũng chỗ này, tôi đang ngủ thì mưa ướt hết cả người", bà Bình nói.

Gia đình bà Bình mang hoa giấy ở huyện Chợ Lách lên bán từ 21 tháng Chạp nhưng người mua không nhiều. Bà cho biết, năm nào cũng phải đến 29 Tết mới biết bán được không, để còn kịp về quê ăn Tết.

Ở trạm xe buýt cạnh công viên Gia Định, nhiều người mắc màn, nằm võng hoặc ngủ ngay trên vỉa hè. Họ cho biết, thường mỗi giấc ngủ chỉ kéo dài khoảng 3 giờ để lấy lại sức trông hàng, chờ giao nhận hoa.

"Trời đêm không những lạnh mà còn nhiều muỗi lắm, do ở đây nhiều cây cối, bụi rậm", người phụ nữ cho biết trong lúc đốt nhang đuổi muỗi.

Người thức trông hoa chủ yếu làm bạn với điện thoại hoặc gọi về cho gia đình. Hệ thống điện của công viên được dẫn tới từng sạp hoa, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của tiểu thương.

Ngồi trên ghế bố trông bonsai, anh Nguyễn Văn Hưng, 38 tuổi, tranh thủ nấu mì tôm ăn đêm. Ngày từ Bến Tre lên Sài Gòn bán hoa Tết, anh mang theo gần chục bộ quần áo, ghế, võng, chăn mền và bếp gas. Anh mua nước bình và tận dụng chiếc bình tưới cây để nấu nước pha mì, hãm trà uống.

"Giấc ngủ cứ chập chờn thôi, nhiều khi mệt quá nhưng vẫn phải ráng thức. Được cái tôi bán ở đây nhiều năm nhưng chưa bị mất hoa bao giờ", anh Hưng nói.

Tại công viên 23/9, quận 1, lúc 1h, bà Nguyễn Thanh Hoa, 47 tuổi, vẫn ráng thức trông đào. Bên trong màn, người chồng tranh thủ ngủ vài tiếng trước khi dậy đổi ca cho vợ.

Hơn chục năm nay, cứ từ 20 tháng Chạp, bà Hoa lại vận chuyển hơn 100 gốc đào từ Hà Nội vô bán. "Mấy năm trước tôi từng bị trộm hoa, có người thì bẻ cành nên phải thức trông. Đêm nhiều khi cũng có khách đến mua", bà nói.

Người phụ nữ giặt tạm bộ quần áo phơi trên gốc cây. Bà cho biết, tiểu thương đa phần ăn cơm bụi, tắm ở nhà vệ sinh công cộng, quần áo thường để đó chờ bán xong hoa về quê giặt luôn một lần.

Lúc rạng sáng, ông Phạm Hồng Sơn, 60 tuổi thắp hương mong buôn may bán đắt. Tết này ông mang 250 chậu đào bonsai loại lớn, dáng đẹp từ vườn Nhật Tân, Hà Nội vào bán. Ông cho biết, đào bán ở TP HCM được giá hơn ngoài Bắc.

"Mấy nay bán được lắm, giờ chỉ còn tầm 30 chậu nữa, chắc trước giao thừa là hết hàng. Nếu bán xong sớm tôi sẽ ở lại Sài Gòn ít ngày để thăm bạn bè", ông Sơn nói.

Giữa đêm, các chuyến xe giao nhận hoa vẫn tấp nập ra vào công viên 23/9.

Những người bán hoa cho biết, thời điểm ba ngày trước giao thừa là tấp nập khách mua nhất, quyết định việc lãi lỗ. Các chợ hoa trong công viên ở TP HCM sẽ đóng cửa lúc 12h ngày 30 Tết, để kịp dọn dẹp vệ sinh cho người dân du xuân.

Sau một ngày làm việc mệt nhọc, những người bán hoa Tết ngồi lại cùng nhau ăn uống, chuyện trò.

Anh Hoàng Mạnh Đoàn (thứ 3 từ trái qua), cho biết những anh em bán ở đây đến từ khắp nơi như Hà Nội, Phú Yên, Đồng Tháp, Bến Tre... "Năm nay kinh tế khó khăn nên người mua cũng kén chọn, nhưng không sao, Tết mà phải vui trước đã", anh Đoàn nói.

Quỳnh Trần - Thanh Tùng