Sau bài viết 'Bỏ đại học, tôi làm thợ sửa xe mỗi tháng kiếm 25 triệu đồng', nhiều độc giả có ý kiến về vấn đề học nghề và học đại học:
Độc giả Quang dang chia sẻ:
Tôi cũng bỏ đại học, làm nghề của cha ông để lại. Khi các bạn tôi học xong đại học, ra trường đi làm, cả tháng lương của các bạn chỉ bằng tôi tiêu vặt một ngày. Nhưng nhiều biến cố trong công việc và kinh doanh khiến ngành nghề mai một. Qua gần 30 năm, hiện các bạn của tôi đã có những bước thăng tiến mà tôi thì tụt lùi.
Nếu các bạn ổn định được trong vấn đề học hành thì các bạn khó giàu như tôi lúc đó, nhưng về sau các bạn vẫn có sự ổn định, về hưu vẫn có lương không suy nghĩ. Còn những người như tôi, chỉ một chút sai lầm sẽ loay hoay cả quãng đời còn lại nếu không có sự tiết kiệm tích cóp từ trước.
Độc giả có nickname ĐỌC cho rằng thất nghiệp thì lỗi phần lớn là do bản thân sinh viên:
Sinh viên ra trường không xin được việc là lỗi của họ chứ không phải lỗi của tri thức.
Sinh viên nên tự xem lại bản thân, bởi lẽ tin tuyển dụng vẫn đăng hàng ngày. Nếu như nhu cầu lao động đã đủ thì các công ty không việc gì phải tuyển thêm. Nhưng họ vẫn đang tuyển rất nhiều trong khi các bạn thất nghiệp, vậy nên xem lại mình đã "học" được gì?
Hôm trước có bài tỉ phú thịt lợn ở Trung Quốc đã có một câu tâm đắc: "Đại học chưa chắc thay đổi vận mệnh nhưng chắc chắn thay đổi tư duy".
Anh có thể an phận với việc sửa xe máy nhưng dần dần Việt Nam sẽ phát triển và ôtô sẽ chiếm đại đa số, xe máy sẽ ít dần thì chỗ đứng của anh ở đâu? Và tôi chắc chắn việc này chỉ trong vòng 30 năm đổ lại mà thôi. Cũng làm sửa xe nhưng những người khôn ngoan hơn sẽ tạo thành những chuỗi dịch vụ về sửa xe như các quốc gia khác thường có (cho ôtô)...chứ không phải chỉ là một anh thợ suốt đời.
Nhiều độc giả cho rằng không nên có thái độ coi nhẹ việc học đại học:
Vấn đề ở đây đang bị nhập nhèm giữa học đại học (rất chung chung) và học đúng cái mình cần, mình muốn. Chúng ta không nên coi thường việc học, mà học đại học là một phần trong đó.
Trường hợp của anh sửa xe là đi sai hướng so với ưu thế bản thân. Anh ấy chịu hậu quả của việc học đại. Giờ ra nghề, kiếm đủ sống thì anh ấy cũng nên tính lại việc học tiếp. Cửa hàng sửa xe có thể phát triển lên thành trung tâm sửa xe, hệ thống cửa hàng dịch vụ.
Muốn thế thì không thể thiếu kiến thức, trình độ được. Tuy thế tôi ủng hộ việc anh sửa xe tạm dừng học đại học để ra học nghề, làm nghề. Nó cũng giống như việc đi tìm đúng hướng của mình thôi. Ở ta hiện tại việc học đang bị bỏ qua giai đoạn đánh giá lại mình sau lớp 12. Ai cũng cố chen vào đại học ngay, may thì đúng cái phù hợp, không may thì sinh hệ lụy.
Người học đại học khó, nhàm chán và không thấy được kiến thức là vì tư duy hạn chế hoặc bản thân tự thỏa mãn với chính mình (hoặc ham chơi, lo kiếm tiền...).
Nhưng vẫn còn rất nhiều người tiếp thu được kiến thức và rất thành công sau đó. Xã hội thì luôn có cạnh tranh và không phải cứ ai học xong đại học là có thể tìm kiếm thu nhập tốt hơn người học nghề. Thực tế cho thấy những người không học đại học vẫn thành công nhưng luôn chiếm số ít. Ngược lại người thành công và rất thành công thì đều qua đào tạo đại học, vì đó là tiêu chuẩn.
Do đó, không thể biết trước được tương lai có thành công hay không. Nhưng dù sao một khi đã được đào tạo qua đại học bạn cũng có được một lượng kiến thức kể cả chuyên môn và xã hội tạo tiền đề cho cuộc sống sau này.
Lúc trước tôi cũng có suy nghĩ như bạn nhưng qua mỗi năm lại có cách suy nghĩ khác. Thật sự mỗi người sinh ra là để học hỏi tăng khả năng về suy nghĩ và tư duy để ngày hoàn thiện bản thân hơn.
Người có nhiều kiến thức tư duy tích cực thì họ cũng dễ thành công hơn trong cuộc sống. Dù kiến thức đại học ở ta hơi nhàm chán nhưng nó cho ta kiến thức cơ bản để tự học nhiều kiến thức khác. Khi bạn có nhiều kiến thức thì bạn học gì cũng nhanh sự nhạy bén của tư duy giúp bạn tiến xa hơn trong phát triển sự nghiệp.
Quan trọng là phải đúng năng lực và sở trường của mình, thêm vào đó là niềm đam mê và trách nhiệm với công việc. Mọi người phần lớn chỉ nhìn thấy thành công của một người nào đó, còn chưa thể thấy hết quá trình đạt được thành công phải trải qua sự phấn đấu cũng như thất bại của họ.
Chính xác là học đại học hay chọn học nghề là do nhiều điều kiện, tùy vào năng lực bản thân, điều kiện kinh tế... Quan trọng là xác định đúng nó phù hợp với năng lực và nhu cầu của bản thân.
Không vì bỏ học đại học có chút thành công mà lại tự mãn, cũng không vì học hành tử tế thành công mà chê bai những người không chọn đại học. Xã hội luôn có sự phân công công việc cho mọi loại hình lao động, chọn đúng loại hình lao động phù hợp với bản thân coi như là thành công, chọn sai thì thất bại hoặc sẽ mất nhiều thời gian để thích nghi.
> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.