Ngày còn nhỏ, học tiểu học, tôi đi học trường làng. Trong trường có một thầy giáo lớn tuổi, rất nghiêm khắc và bị tật ở chân. Những bước đi của ông chưa bao giờ dễ dàng và sau nhiều năm học, chúng tôi phát hiện ông phải mang một cái chân giả, đó có thể là di chứng của chiến tranh hoặc những nỗi đau mà chúng tôi chưa đủ lớn khôn để hiểu.
Lũ học sinh chúng tôi chưa bao giờ thích ông vì ông rất nghiêm khắc. Ông luôn phạt những đứa học trò tuổi ham chơi hơn ham học. Tôi nhớ trong một buổi học đạo đức, khi ông dạy chúng tôi đức tính thật thà. Khi ông hỏi chúng tôi: - "Trái với chân thật là gì?" Thì một bạn hô to: "Là chân giả ạ", vài đứa ôm nhau cười khúc khích.
>> Bài viết cùng tác giả: Con hư - cha mẹ có lỗi trước khi trách nhà trường
Thầy tôi không nói gì, im lặng một lát rồi tiếp tục bài giảng. Hình như ông có khóc. Trải qua nhiều năm, khi bản thân trưởng thành, trong tâm hồn cũng mang đôi vết thương của sự vô tâm, vô cảm, tôi mới biết rằng những vết thương năm xưa mà tôi rất sợ như ngã đau, đứt tay chảy máu, chẳng là gì so với vết thương lòng.
Cách đây khá lâu, một nhà văn mà tôi rất thích có chia sẻ, đại ý rằng không ai có thể hoàn toàn cảm nhận được nỗi đau của người kia. Chính vì thế, khi người khác chia sẻ với mình nỗi buồn của họ thì cũng đừng hững hờ kiểu: "Kệ đi, người ta nói thế thôi. Có gì đâu mà khóc"; "Chuyện có đáng gì đâu mà cứ để ý nhỉ"; "Ôi trời, đừng suy nghĩ quá"...
Một câu nói vô tình, một hành động thờ ơ, đối với người này là bình thường, nhưng với người khác là lưỡi kiếm, thậm chí có thể làm tổn thương cho ai đó đến tận cùng.
Nhiều người gọi đó là "ngưỡng cam chịu", "giới hạn tột cùng" mà chính bản thân người trong cuộc mới hiểu được. Người ta bảo vài ngôi sao Hàn Quốc đang nổi tiếng thế, tiền bạc địa vị, muốn gì cũng có, sao phải từ giã cõi đời một cách ngốc nghếch như vậy...
Họ không biết rằng, khi người ta lựa chọn sự giải thoát là khi cuộc sống này đã chấm hết niềm vui và niềm tin. Nỗi đau khổ của người này thì luôn đơn giản, dễ kiểm soát hơn dưới góc nhìn của người kia.
>> Bài viết cùng tác giả: Nhiều người bất mãn công việc và sếp nhưng không chịu bỏ việc
Chúng tôi cười đôi chân giả của thầy tôi là vì chúng tôi không hiểu được những khó khăn và đớn đau mà thầy tôi phải chịu. Chúng ta không phải là thờ ơ, nhưng khó để chia sẻ trọn với những người bạn bị rớt môn hay chia tay người yêu thương, mất đi người thân, bạn tốt...
Vì chúng ta nghĩ không học kỳ này thì học kỳ sau, không yêu người này thì yêu người khác... Tự trách ai kia sao mãi tự làm khổ mình... Vì thế mà vết thương không được xoa dịu, buồn đau lại càng thêm đau.
Dĩ nhiên chúng ta không phải là những chuyên viên tâm lý để giải đáp mọi thắc mắc, mọi buồn vui, nhưng thiết nghĩ, khi được tin yêu mà chia sẻ thì xin hãy mở rộng lòng mình mà lắng nghe, chỉ cần lắng nghe không phán xét, đã là một cách hay để xoa dịu một tâm hồn, để niềm đau chia đôi và bạn ta không nghĩ quẩn.
Ai cũng có những vui buồn trong đời và con người luôn tự tìm cách giải quyết trước khi cảm thấy bức bối quá, không giải quyết được thì mới tìm bạn sẻ chia. Đó là lúc niềm đau đã vượt ngưỡng... Là lúc mà không gì có thể làm vơi đi bằng sự cảm thông và yêu thương.
Trân trọng cảm xúc của người khác, không hờ hững trước tổn thương của người khác không chỉ là đang giúp ích cho họ mà cũng chính đang giúp cho chính mình. Đó là lúc bản thân đã trưởng thành, biết yêu thương, nâng đỡ những vết thương...
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.