Nhưng lúc bước vào, tôi thường choáng váng, đau đầu, ngồi nghỉ một thời gian thì đỡ. Xin hỏi bác sĩ dùng điều hòa ngay sau khi đi nắng có gây mệt mỏi, thậm chí đột quỵ? (Sơn, 45 tuổi, Hà Nội).
Trả lời:
Chênh lệch nhiệt độ khi đi từ bên ngoài vào phòng bật điều hòa, hoặc ngược lại khiến cơ thể không thích nghi kịp thời, dẫn đến co mạch đột ngột, choáng váng. Nhiều trường hợp sốc nhiệt, thậm chí đột quỵ ở nhóm nguy cơ như người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc người lao động làm việc ngoài trời. Lúc này, cơ thể cần một giai đoạn chuyển tiếp để hạ nhiệt và thích nghi dần với nhiệt độ, không đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại.
Trong giai đoạn nắng nóng cao điểm, những bệnh nhân mắc bệnh phổi, bệnh hô hấp, người suy giảm miễn dịch cũng cần thận trọng khi sử dụng điều hòa. Người làm việc ngoài trời thường bị ra nhiều mồ hôi, cần lau bớt rồi mới vào phòng điều hòa để tránh mất nước, hạ nhiệt, gây cảm lạnh. Chưa kể, tại trung tâm thương mại, gió điều hòa rất mạnh, hạn chế ra vào nhiều lần.
Để tránh sốc nhiệt, bạn cần kiểm soát nhiệt độ phòng, tuyệt đối không để dưới 26-28 độ C. Khi phòng đủ mát, nâng nhiệt độ lên tối thiểu 27-28 độ C. Nếu muốn ra khỏi phòng điều hòa, nên mở cửa, đứng vài phút cho quen với môi trường xung quanh rồi mới ra ngoài.
Ngoài ra, phòng điều hòa thường kín, không thoáng khí nên dễ tích bụi, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus và nấm mốc gây bệnh đường hô hấp như ho, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản. Do đó, khi không bật điều hòa, gia đình nên mở cửa cho không khí sạch ngoài trời vào nhà.
Gia đình có thể dùng thêm máy làm mát, quạt hơi nước, quạt trần để bảo vệ sức khỏe.
Bác sĩ Trần Đình Thắng
Khoa Cấp cứu đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội)