Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, học sinh thường được nghỉ học khoảng 7-10 ngày. Các em nghỉ học nhưng không có nghĩa là được nghỉ vì vẫn phải làm rất nhiều bài tập vì các thầy cô giáo cho rằng: giao bài tập để học sinh không quên kiến thức.
Nhiều giáo viên có quan điểm giao bài tập Tết cho học sinh là để các em không xao lãng việc học. Tuy nhiên, việc giao quá nhiều bài tập dẫn đến hệ quả là nhiều em vì phải lo hoàn thành bài tập về nhà, các bài kiểm tra mà ít thời gian nghỉ ngơi, vui chơi cùng gia đình.
Tôi cho rằng nên để Tết đúng nghĩa là dịp nghỉ ngơi, tránh khiến học sinh áp lực với khối lượng bài tập lớn. Tết là dịp các em kết nối với các thành viên trong gia đình. Với học sinh cuối cấp như lớp 9, 12 thì có thể cho các em một số bài tập. Riêng với học sinh cấp 1, cấp 2 thì không cần thiết giao bài tập Tết. Bởi vì việc nhớ hay quên kiến thức là một quá trình, nghỉ Tết 7-10 ngày không thể biến một đứa trẻ từ giỏi thành dốt hoặc ngược lại.
Bên cạnh đó, khi nghỉ Tết xong các em đi học ngay, giáo viên sẽ có phương pháp đánh giá khác nhau để biết được học sinh nào thiếu hụt kiến thức để bổ sung. Hơn nữa, nếu giao quá nhiều bài, giáo viên cũng không thể kiểm tra, chấm và chữa tất cả, các em làm hết hay không, đúng hay sai thầy cô cũng không biết.
Tôi nghĩ rằng các trường không nên giao bài tập để học sinh được tận hưởng không khí ngày Tết, vui chơi trọn vẹn. Học sinh không học qua sách vở nhưng sẽ học được những kỹ năng, phẩm chất khác thông qua chất liệu cuộc sống như trò chuyện, chúc Tết gia đình, phụ giúp bố mẹ làm việc nhà.
Từ năm 2014, với bậc tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm cấm việc giao bài tập về nhà cho học sinh với các trường và lớp dạy học hai buổi một ngày. Dù vậy, tình trạng giao bài tập về nhà, hay giao bài tập Tết cho học sinh hiện vẫn còn phổ biến ở các trường công lập.
Con gái lớn của tôi học trường công lập từ cấp I đến cấp III nên kỳ nghỉ Tết nào cũng luôn bận rộn làm bài tập. Con gái nhỏ học dân lập hai năm nhưng chưa năm nào con phải làm bài tập trong sách vở. Năm ngoái con được giao bài tập đặc biệt gồm: cho học sinh tham gia làm phong bao lì xì, cùng dọn nhà và gói bánh chưng. Cùng gia đình trang trí, dọn dẹp nhà cửa. Biết vào bếp phụ ông bà, bố mẹ dọn cơm, bày mâm ngũ quả. Chuẩn bị bánh, mứt, kẹo...đón khách.
Nói những lời chúc Tết ý nghĩa với mọi người. Bên trong những bao lì xì mà các em gửi ông bà, bố mẹ chứa những "voucher" đặc biệt như "được con đấm lưng", "được con nhặt rau", "được con rửa bát", "được con đổ rác", "được con lau nhà"...
Năm nay con được giao phiếu bài tập Tết gồm 10 bài: Phụ bố mẹ, ông bà, anh chị dọn dẹp nhà cửa đón Tết; tự sắp xếp lại tủ quần áo, góc học tập của mình; biết vào bếp phụ bố mẹ, ông bà dọn cơm, bày hoa quả dâng cúng lên bàn thờ tổ tiên; vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng một, em ngồi vào bàn học "Khai bút đầu năm"; em biết chúc Tết với mọi người em gặp; nhận bao lì xì bằng hai tay, biết nói lời cảm ơn, không mở bao lì xì trước mặt người mừng tuổi hay nói về số tiền lì xì em nhận được; ngày mồng 6 Tết, em chuẩn bị đồng phục, soạn đầy đủ sách vở để chuẩn bị trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết; em để dành một ít tiền lì xì để mua một quyển sách ý nghĩa; điều gì khiến em cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc nhất trong kỳ nghỉ Tết?; mục tiêu phấn đấu của em trong năm học mới là gì?
Đối với 8 bài tập đầu tiên, cô giáo yêu cầu phụ huynh có ý kiến đánh giá vào cột đánh giá của phụ huynh ở 3 mức độ: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Đối với bài tập số 9 và số 10, các em tự viết câu trả lời của mình vào phiếu bài tập. Cuối trang phiếu bài tập Tết là dòng chữ: "Cô chúc em có một kỳ nghỉ Tết thật ý nghĩa, vui vẻ, hạnh phúc và bình an bên gia đình".
Thực sự, mỗi một lần đọc phiếu bài tập Tết của con gái tôi đều rất ấn tượng vì các cô giáo vẫn giao bài tập nhưng bài tập không nặng về kiến thức sách vở mà giáo viên giao bài tập gắn với mục tiêu, các hoạt động thường diễn ra trong dịp Tết như kết nối gia đình, khám phá văn hóa, thay vì những bài tính toán nặng kiến thức.
Những dạng bài tập này giúp học trò rèn sự quan sát, thấu cảm, mở rộng hiểu biết và cải thiện nhiều kỹ năng mềm khác. Không chỉ phụ huynh mà cả các con đều rất thích thú. Con gái tôi luôn chủ động xin được làm việc giúp mẹ để sau mỗi một ngày nghỉ Tết, mẹ lại ghi ý kiến đánh giá mức độ hoàn thành vào phiếu bài tập Tết của con. Những phiếu bài tập như vậy sẽ giúp học sinh có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình mà không phải chịu một áp lực học tập nào.
Kỳ nghỉ Tết là dịp để gia đình hướng dẫn các em những kỹ năng cần thiết, thông qua những bài tập về nhà này, nhà trường muốn các em sẽ chủ động tham gia, tìm hiểu các hoạt động ngày Tết cùng gia đình, để qua đó bồi đắp thêm tình cảm gia đình, giáo dục về tình yêu gia đình, coi trọng những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.