Chiều hôm qua tôi có hẹn ở một quán cà phê sân vườn ở TP HCM. Tôi ngồi được khoảng 15 phút thì đến giờ tan tầm của học sinh. Bỗng nhiên có một người đàn ông chở đứa con đến quán cà phê, ngồi gần tôi và nói: "Con đi bán hết mấy tờ vé số này cho ba".
Thoạt đầu, tôi còn tưởng người đàn ông này ép buộc con đi bán vé số kiếm tiền, còn mình thì ngồi thong dong uống cà phê. Tôi định lên tiếng giúp cháu bé, thậm chí ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi là định báo công an.
Nhưng đoạn hội thoại tiếp theo khiến tôi hiểu ra vấn đề:
- Con thử cầm mấy tờ vé số này qua mấy bàn kia mời mấy chú mua đi.
- Con xấu hổ lắm.
- Tại sao xấu hổ, ba tốn tiền cho con ăn học mà con không chịu học, đi thi mà ngồi quay bút, cô giáo mắng vốn nên ba cho con đi bán vé số.
Đứa bé vẫn đứng và khoanh tay. À, thì ra đây là một cách dạy con của vị phụ huynh kia. Tôi hiểu ý của người đàn ông này là kiếm tiền rất khó khăn, được ba mẹ cho đi ăn học đàng hoàng và đầy đủ mà không cố gắng học, thì chỉ có nước đi bán vé số.
Bình thường, tôi cũng nhiều lần nghe các vị phụ huynh dạy con: không chịu học thì chỉ có nước đi bán vé số, đi làm hốt rác...
Quan điểm của tôi là không đồng ý với cách giáo dục con cái như vậy, đây là một lời hù doạ nhưng đồng thời làm tổn thương người bán vé số, người hốt rác. Đồng thời nó cũng hướng con trẻ đến lối tư duy phân biệt nghề nghiệp cao - thấp, sang - hèn.
Cũng giống như việc khi con còn nhỏ đi vấp cái bàn, cái ghế thì phụ huynh, ông bà lại nói "đánh cái ghế chết bầm làm đau cháu tui..." mang lại tâm lý đổ lỗi cho hoàn cảnh vì cái ghế có sẵn và đứng yên ở đó, nó không có khả năng làm đau ai cả nếu người đó đi đứng đàng hoàng, cẩn thận.
Thay vì nói "không học chỉ có nước đi bán vé số", "đi hốt rác"... chúng ta có thiếu gì cách để làm cho trẻ hiểu vấn đề mà không làm tổn thương bất cứ ai.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.