Ca cao có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Mexico, được phát hiện cách đây khoảng 3.000 năm. Trong tiếng Hy Lạp, ca cao có nghĩa là “thức ăn của các vị thần”. Đầu thế kỷ 20, thức uống ca cao và chocolate đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của toàn châu Âu và phổ biến trên khắp thế giới.
Ca cao là cây xanh quanh năm, thân gỗ nhỏ, cao 4-8 m, sống trong điều kiện tự nhiên có thể cao 10-20 m. Quả thường to, dạng quả thay đổi.
Tính chất vật lý và hóa học của hạt ca cao và các sản phẩm từ ca cao rất phức tạp. Chúng thay đổi tùy theo phẩm chất của hạt và phụ thuộc vào quá trình chế biến. Bột ca cao là phần nhân đặc của hạt được nghiền mịn, ép lấy bơ. Bơ ca cao là phần chất béo bên trong hạt được ép từ bột của hạt.
Chocolate là hỗn hợp giữa ca cao và bơ ca cao, được cho thêm đường, sữa và những chất khác vào, cuối cùng được đóng thành dạng những thanh. Chocolate đen là loại chocolate không pha thêm sữa. Chocolate trắng gồm đường, bơ ca cao, sữa hoặc bột sữa và vani. Chocolate trắng không chứa theobromine, nên nó có thể được dùng cho động vật nuôi như chó, mèo….
Thành phần hóa học của ca cao và những lợi ích cho sức khỏe
Ca cao giàu phytochemical là chất hoạt động sinh học (ví dụ như flavonoid và carotenoid) được cho là có lợi ích cho sức khỏe. Bột ca cao chứa nhiều hóa chất liên quan đến mức độ serotonin trong não, có tác dụng chống oxy hóa, giúp giảm sự hình thành các gốc tự do. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, ăn ca cao điều độ, có thể hạ thấp huyết áp, phòng ngừa được ung thư.
Bơ ca cao được xem là một chất chống oxy hóa, có tác dụng trung hoà cholesterol trong máu nhờ ở hàm lượng cao acid stearic, không làm tăng cholesterol xấu (LDL), mà làm tăng cholesterl tốt (HDL), phòng ngừa nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Các nhà khoa học Đức kết luận rằng ăn 6 g chocolate hằng ngày sẽ giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ đến 37%, cũng như làm giảm nguy cơ tử vong sau khi đột quỵ, cho phép máu lưu thông tốt hơn do sự hiện diện của chất flavanoid. Ngay cả những người đã trải qua cơn đau tim cũng sẽ hạn chế được khả năng tái phát nếu thường xuyên ăn chocolate.
Tiến sĩ Norman Hollenberg, giáo sư Y khoa ĐH Harvard cho rằng, ca cao thiên nhiên giàu flavanol có những lợi ích to lớn trong việc chữa trị hai căn bệnh động mạch vành tim và ung thư. Các nhà nghiên cứu Mỹ do tiến Sĩ Diane Becker dẫn đầu cũng chứng minh rằng ăn chocolate thường xuyên giúp giảm nguy cơ đông máu và tắc nghẽn các mạch máu, nguyên nhân gây những cơn đau tim. Chất flavonoid trong hạt ca cao có tác dụng tương tự như thuốc aspirine đối với bệnh tim mạch, làm giảm nguy cơ hình thành những cục máu đông.
Ca cao không chỉ chống trầm cảm mà còn giúp giảm cân, bởi nó làm tăng sự trao đổi chất và cho phép cơ thể đốt cháy một lượng lớn calo. Ngoài ra, chất theobromine trong đó còn làm cho cơ thể thấy no và ngăn chặn cảm giác thèm ăn.
Chất caffeine trong chocolate có tác dụng giúp tỉnh táo, theobromine và theophylline giúp kích thích cơ thể và tác động hiệu quả đến tâm lý, giảm bớt sự căng thẳng tinh thần, chống stress. Uống ca cao hàng ngày có thể nâng cao hiệu quả lao động trí óc, giúp cho người ta nhớ lại những số liệu trắc nghiệm về trí nhớ dễ dàng hơn, cải thiện được loại trí nhớ không gian, và tích lũy được các thông tin để tiếp tục xử lý sau này.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không khuyến khích ăn nhiều chocolate, vì thức ăn này cũng chứa đường và bơ. Họ khuyến cáo nên ăn mỗi ngày 2 muỗng cà phê chocolate đen dưới dạng nguyên chất hay trích từ các hạt ca cao khô. Chocolate đen với liều thấp cũng đủ mang lại tác dụng chống đông máu, chứ không cần phải ăn nhiều. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo rằng, để phòng ngừa bị tiểu đường hoặc béo phì, có thể chọn chocolate đen thay vì những thanh chocolate thông thường.
Bác sĩ Wahida Karmally, Trưởng khoa Dinh dưỡng của Trung tâm Y khoa ĐH Columbia cảnh báo, chocolate cung ứng chất béo bão hoà làm tăng lượng LDL (cholesterol xấu) có hại cho quả tim nếu không chọn đúng loại và “chocolate sẫm màu tốt cho sức khỏe hơn chocolate trắng hay chocolate sữa”.
Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM