Phim kinh dị Chuyện ma gần nhà đang gây chú ý với doanh thu hơn 53 tỷ đồng sau bốn ngày công chiếu. Ngoài nội dung tác phẩm, Đừng bỏ em một mình - ca khúc được sử dụng trong phim - thu hút sự quan tâm của khán giả. Trên YouTube, nhiều người bình luận sau khi xem phim, giai điệu, ca từ bài hát văng vẳng trong tâm trí họ. Lê Minh Long bình luận: "Biết bài này đã lâu, nay xem phim và một lần nữa quay lại với cảm giác sợ hãi".
* Audio: "Đừng bỏ em một mình" - nhạc phim Chuyện ma gần nhà
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết tâm đắc với nhạc phẩm từ lần đầu nghe cách đây nhiều năm. Khi thực hiện phim, anh nghĩ ngay đến ca khúc. Ca từ bài hát cũng là một phần cảm hứng giúp êkíp hoàn thành kịch bản. Thay vì sử dụng bản thu kinh điển của các giọng ca gạo cội, đạo diễn mời ca sĩ Thúy Huyền hát, nhạc sĩ Seth Tsui (Trung Quốc) hòa âm. Anh chọn bản phối đậm chất cổ điển, hoài niệm, cộng hưởng với hiệu ứng âm thanh trong phim để gợi cảm giác ma mị, ám ảnh.
Trong phim, ca khúc vang lên ba lần, thông điệp tương ứng với ba câu chuyện chính: nỗi cô đơn của một minh tinh luôn muốn kéo dài tuổi xuân, sự cô độc của một nghệ sĩ già sắp qua đời, cảm giác lẻ loi của một linh hồn không hay biết mình đã chết. Hữu Tấn nói: "Nếu không phải Đừng bỏ em một mình, sẽ rất khó tìm ca khúc nào phù hợp hơn".
Trước bộ phim, bài hát ghi dấu như một trong những tình khúc kinh điển của Phạm Duy qua lời thơ Minh Đức Hoài Trinh. Trò chuyện trong một chương trình phát thanh năm 1995, nữ sĩ cho biết trong lần thăm bảᴏ tàng ở Pháp, bà chú ý đến xác ướp một phụ nữ qua đời đã 800-900 năm. Bà nói: "Tôi chợt nghĩ đến con người này thời xuân trẻ với mái tóc dài buông xuống lưng. Mớ tóc còn đó, khá nguyên vẹn nhưng liệu được bao lâu?". Về nhà, bà bắt đầu sáng tác bài thơ, đặt mình vào hoàn cảnh giả tưởng, kể nỗi lòng một cô gái từ giã cõi đời nhưng linh hồn vẫn vất vưởng vì cô đơn.
"Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh
Đừng bỏ em một mình
Khi mưa chiều rào rạt
Lũ chim buồn xơ xác
Tìm nhau gục vào mình"
Lời thơ vẽ ra khung cảnh đám tang của một cô gái giữa nghĩa trang hoang vu. Thi sĩ sử dụng những vần thơ với cấu trúc lặp lại, gợi cảm giác bi thương, ai oán. Dưới huyệt mộ, âm thanh của lời cầu kinh, tiếng chuông chùa, búa nện đinh... là những điều cuối cùng nàng cảm nhận sau một kiếp sống. Giữa không gian đầy gió lạnh, mưa dầm, nàng cô đơn đến khắc khoải trong lời cầu xin: "Đừng bỏ em một mình/ Đừng bắt em làm thinh...".
Theo Minh Đức Hoài Trinh, dù tiếng lòng của chủ thể trữ tình là một cô gái nói với chàng trai, tác phẩm không chỉ là lời tâm sự chuyện yêu đương. "Đây còn là lời nói của con người bé nhỏ với vũ trụ khi đứng trước đại dương mông mênh", bà từng nói. Tác giả tự hỏi: "Mấy ngàn năm sau nữa/ Ai mái tóc còn xinh". Bài thơ do đó còn mang thông điệp tích cực: hãy trân quý cuộc đời, sống trọn vẹn với cuộc tình để khi ra đi không còn gì nuối tiếc.
"Đừng bỏ em một mình
Biển đêm vời vợi quá
Bước chân đời nghiêng ngả
Vũ trụ vàng thênh thênh
Đừng bỏ em một mình
Môi vệ thần không linh
Tiếng thời gian rền rĩ
Đường nghĩa trang gập ghềnh"
Năm 1969, Phạm Duy phổ nhạc tác phẩm thành bài hát cùng tên, giữ lại một phần tứ thơ. Sau khi ra đời, bài hát lập tức gây tiếng vang qua giọng ca Lệ Thu. Thu âm nhạc phẩm trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp, Lệ Thu chọn lối trình bày bạch thanh, ít luyến láy nhưng chất chứa nỗi đau. Trong giai điệu slow-rock, chất giọng danh ca được tôn thêm bởi bản phối hoài cổ, kết hợp giữa tiếng kèn trumpet và tiếng trống, chũm chọe. Ca khúc nằm trong cuộn băng Tiếng hát Lệ Thu - tuyển tập các sáng tác của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Trường Sa... Bài hát còn được biết đến qua bản thu Thanh Lan - giọng ca đàn em của Lệ Thu.
Minh Đức Hoài Trinh sinh năm 1930 tại Huế. Nhiều bài thơ khác của bà được tác giả Phạm Duy và nhiều nhạc sĩ khác phổ nhạc như Kiếp nào có yêu nhau, Bài thơ cho Huế, Mây vẫn còn bay... Bà từng là phóng viên chiến trường tại Algerie và Việt Nam, được cử theo dõi và tường thuật cuộc hòa đàm Paris. Năm 1974-1975, bà trở về Việt Nam giảng dạy khoa báo chí tại Viện đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1982, bà định cư ở quận Cam, California. Bà qua đời năm 2017 tại Mỹ, thọ 87 tuổi.
Nhạc sĩ Phạm Duy sinh năm 1921 tại Hà Nội. Ông là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền tân nhạc với hàng nghìn sáng tác đa dạng thể loại, trong đó có những bài đã trở nên quen thuộc với người Việt. Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt có giá trị. Ông cũng từng là giáo sư tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Sau năm 1975, ông sang Mỹ định cư. Năm 2005, ông về nước an hưởng tuổi già. Năm 2013, ông qua đời ở tuổi 93, để lại di sản sáng tác đồ sộ cùng tình yêu trọn đời cho âm nhạc.
Mai Nhật