Danh ca Lệ Thu qua đời tại Mỹ ở tuổi 78, tối 15/1 (giờ địa phương) sau thời gian chống chọi Covid-19. Hơn 50 năm theo nghề, bà ghi dấu như một tượng đài của lịch sử tân nhạc Việt Nam. Khánh Ly, giọng ca cùng thời, từng ví Lệ Thu như chất giọng vàng mười - tức đạt đến độ hoàn hảo - và là đàn chị bà luôn khát khao được đứng chung sân khấu.
Lệ Thu đến với nghề hát như nghiệp dĩ, dẫu xuất thân không phải con nhà nòi. 10 tuổi, cùng mẹ từ Hải Phòng chuyển vào Sài Gòn sinh sống, cô bé Bùi Thị Oanh lúc ấy thường nghe lỏm thầy dạy nhạc ở nhà bên cạnh rồi tập hát theo. Dần dà, hàng xóm đi qua đều trầm trồ, khen: "Ôi, con bé này hát hay quá". Sở thích văn nghệ từ đó được ươm mầm nhưng bà vẫn chưa nghĩ đến chuyện theo nghề. Có lần, người quen khuyến khích đi thi, Lệ Thu cho rằng, một đứa bé ăn chưa no, lo chưa tới, thành ca sĩ là điều ngoài tầm với.
Cuộc đời thiếu nữ 16 tuổi thay đổi khi giọng hát được ông chủ phòng trà Bồng Lai - điểm diễn nổi tiếng của Sài Gòn một thời - để mắt. Khi đó, Lệ Thu đang hát ca khúc Dang dở (Tà áo xanh) của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong tiệc sinh nhật bạn, ông tình cờ có mặt, mời cô gái đến hát hàng đêm với mức thù lao hậu hĩnh, song bị từ chối. Ông kiên trì đến tận nhà thuyết phục gia đình vì tin tiếng hát ấy có đầy đủ yếu tố để thành ngôi sao. Hai năm ròng, người mẹ theo sát con gái đến hát ở phòng trà. Chứng kiến những tràng pháo tay khán giả dành tặng, người mẹ mới gật đầu, đồng ý cho bà theo nghề. Từ đó, Bùi Thị Oanh trở thành Lệ Thu - nghệ danh bà tự nghĩ ra, với ý nghĩa: một mùa thu đong đầy nỗi buồn nhưng cũng đẹp một cách mỹ lệ.
Xuất hiện giữa làng nhạc cuối thập niên 1960, Lệ Thu lập tức được săn đón như hiện tượng. Trước đó, Thái Thanh đã là giọng ca số một tại Sài Gòn với lối hát giả thanh, chú trọng các nốt luyến láy ở quãng cao. Lệ Thu đến và khiến cục diện thay đổi với chất giọng mezzo-alto (nữ trung trầm). Phong cách của bà ngược hẳn với đàn chị khi theo đuổi lối bạch thanh, ít biến báo, không phô diễn kỹ thuật thanh nhạc mà để người nghe tự cảm âm sắc. Tiếng hát ấy đong đầy mọi sắc thái nhờ sở hữu âm vực rộng. Ở những quãng trầm, lối hát đậm tính tự sự, u uẩn, nhưng khi lên những nốt cao, giọng vẫn tươi sáng, căng tràn. Nhạc sĩ Quốc Bảo nói, nghe Lệ Thu hát, khán giả như được thoát khỏi những trì trệ của số phận, của nỗi buồn, mà lửng lơ giữa những bậc thang lên trời.
Có thời điểm, những vũ trường trung tâm Sài Gòn như Queen Bee, Tự Do, Ritz... không thể đông khách nếu thiếu tên Lệ Thu trên băng rôn, áp phích. Khi ấy, bà thường hát những ca khúc nhạc Anh, Pháp như La vie en rose, A certain smile, La mer..., nghiễm nhiên trở thành giọng ca có cát-xê hàng đầu. Trong một bài phỏng vấn, bà hồi tưởng về một lần ký hợp đồng với bầu show hát một tháng, nhận về khoản thù lao một triệu đồng. Thời ấy, lương công chức cao cấp là 32 nghìn đồng, vàng khoảng 500 đồng một lượng. Lúc được trả cát-xê, bà phải đựng trong bao bố mang về nhà.
Nếu Thái Thanh nổi tiếng với nhạc Phạm Duy, Khánh Ly vang danh nhờ nhạc Trịnh, sự nghiệp Lệ Thu trải dài bởi ca khúc bất hủ của nhiều tác giả. Bà không gắn liền tên tuổi với ai, nhưng nhắc đến nhiều bản tình ca của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trường Sa..., cái tên Lệ Thu luôn xuất hiện đầu tiên. Chẳng hạn, với Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa), bản thu trước năm 1975 của bà thường được đánh giá chuẩn mực. Nhạc sĩ viết ca khúc trong một lần chạy xe ngang phòng trà Tự Do, nghe tiếng hát của bà vang lên trầm bổng qua ô cửa sổ. Ông lập tức dừng lại, ghi vào sổ tay những dòng đầu tiên: "Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng/ Chiều đong đưa những bước chân đau mòn...". Hoặc Rồi mai tôi đưa em - một tình khúc khác của Trường Sa - cũng được giao cho Lệ Thu hát và lập tức thành công.
Trước khi Khánh Ly xuất hiện, đã có một Lệ Thu làm mưa làm gió với nhạc Trịnh. Cơ duyên hợp tác với Trịnh Công Sơn không lâu (do tính cách thích an toàn khiến bà không muốn theo con đường du ca), nhưng cũng đủ để Lệ Thu lưu lại dấu ấn với Hạ trắng. Bà hát vút cao như ánh nắng chói chang trải trên mặt sông lấp loáng, phảng phất hư ảo của mối tình "áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau". Cách Lệ Thu "gọi nắng" kinh điển đến mức được chính nhạc sĩ công nhận, mà nhiều bản thu sau này khó bì kịp.
Hay với nhạc Phạm Duy, bà hát không nhiều nhưng những bài vào tay bà đều thành tình khúc bất hủ. Như Ngậm ngùi (thơ: Huy Cận), theo hồi ký Phạm Duy, người thể hiện đầu tiên là nam ca sĩ Anh Ngọc, phải tới Lệ Thu thì ca khúc mới thành bản hit. Loạt nhạc phẩm khác của Phạm Duy đều in đậm tên tuổi bà, dù hát một mình (Thuyền viễn xứ, Mùa thu chết) hay song ca với Khánh Ly (Giọt mưa trên lá, Tiếng sáo thiên thai).
Yêu giọng hát Lệ Thu, sinh thời Phạm Duy từng viết riêng cho bà ca khúc Nước mắt mùa thu: "Nước mắt mùa thu khóc than một mình/ Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh...". Ca khúc - cũng như chính nghệ danh - vận vào cuộc đời nhiều nỗi buồn của Lệ Thu. Bà trải qua ba cuộc hôn nhân dang dở. Lấy chồng lần đầu ở tuổi 20, với một người hàng xóm thông qua sự sắp đặt của gia đình. Chưa từng trải trong chuyện tình cảm, họ đổ vỡ do hết duyên và cái tôi mỗi người còn lớn - như cách bà giãi bày sau này. Hai lần kết hôn sau, bà đều tự nhận do mình vụng về, không hiểu tâm tính đối phương nên mỗi người một hướng. Sau năm 1975, bà sang Mỹ cùng ba con gái, từ đó không bước thêm lần nào nữa.
Có lần, nhìn lại đời mình, Lệ Thu nói nhờ quá khứ lắm nỗi niềm, bà trân trọng hạnh phúc hiện tại bên con cháu. Chứng kiến các con trưởng thành, xây dựng cuộc sống riêng, bà thấy mãn nguyện. Những năm cuối đời, bà sống ở thành phố Fountain Valley, California, con cái thỉnh thoảng qua thăm. Bà tâm niệm, nơi nào được gần những người mình yêu thương, nơi đó là nhà.
Lòng yêu nghề giúp bà gắn kết với khán giả quê hương. Năm 2007, khi về nước làm show đầu tiên ở Nhạc viện TP HCM sau hơn 30 năm xa xứ, giọng hát danh ca vẫn lồng lộng, giàu rung cảm, nhắc nhớ người nghe về quá khứ vàng son của bà với các tình khúc một thời. Năm 2013, dù bị tai nạn giao thông ở Mỹ, được khuyến cáo nghỉ ngơi, bà vẫn vội vã về nước, tổ chức liveshow một tuần sau đó vì không muốn lỡ hẹn với những người trót yêu tiếng hát bà. Trong những lần gặp gỡ sau này, danh ca thường tiếp đón truyền thông với phong thái hào sảng, giọng cười giòn tan, nói rằng được hát ở quê nhà là niềm hạnh phúc tột bậc với bà.
"Người Mỹ hay dùng thành ngữ 'Born to be that way' để nói về vận mệnh. Có những người sinh ra để hưởng phú quý, có người số phận khổ sở, còn tôi sinh ra để làm nghệ sĩ. Chuyện trở thành ca sĩ là điều tất yếu và nếu được chọn lại, tôi sẽ vẫn làm như vậy", Lệ Thu từng nói.
Mai Nhật