Trả lời:
Dụi mắt thường do mắt bị kích ứng hoặc phải làm việc liên tục trước màn hình máy tính. Dụi mắt dẫn đến phản xạ của tim và mắt, nghĩa là tạo áp lực lên nhãn cầu làm tim đập chậm lại, từ đó giảm căng thẳng. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Hành động dụi mắt còn làm kích thích tuyến lệ, giúp đôi mắt có độ ẩm nhất định, có thể làm giảm tình trạng khô mắt.
Tuy nhiên, thói quen này có thể gây viêm nhiễm, tổn thương giác mạc và những bệnh về mắt không thể lường trước.
Dụi mắt thường xuyên sẽ làm trầy xước và suy yếu giác mạc, biến dạng. Nếu diễn biến xấu, người bệnh phải phẫu thuật ghép giác mạc.
Dụi mắt nhiều lần khiến lông mi, bụi bẩn, thậm chí dị vật di chuyển vào mắt. Cọ xát mạnh tay lên mắt còn làm tăng nguy cơ rách hoặc loét giác mạc.
Thói quen này là nguyên nhân khiến bệnh tăng nhãn áp thêm nặng. Khi áp lực nội nhãn tăng dẫn tới tổn thương thần kinh mắt và gây mất thị lực, đặc biệt nguy hiểm với người mắc tật khúc xạ cận thị.
Dụi mắt nhiều còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt do vi khuẩn đau mắt đỏ hoặc virus viêm màng kết ẩn nấp, lây lan khi tiếp xúc từ tay lên mắt. Về lâu dài, thói quen dụi mắt khiến mí mắt chùng, làm mất dần tính đàn hồi của vùng da quanh mắt. Lúc này, da mắt lão hóa nhanh, màu da tối và xuất hiện các nếp nhăn quanh đôi mắt.
Do đó, thay vì dụi mắt khi mỏi mệt, căng thẳng, khô mắt hoặc có vật thể lọt vào mắt, chúng ta nên dùng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để rửa mắt, nhỏ mắt, giúp bảo vệ đôi mắt an toàn.
Bác sĩ Nguyễn Sỹ Sang
Khoa nhãn khoa, Bệnh viện Mắt TP HCM