Khi xung đột ở Ukraine biến thành cuộc chiến tiêu hao kéo dài và nỗ lực đàm phán hòa bình không đạt tiến triển, Mỹ và các đồng minh đang hướng tới mục tiêu mới, dài hạn hơn: Giúp Ukraine giành chiến thắng quyết định trên chiến trường, để ngăn bất kỳ chiến dịch quân sự tương tự nào trong tương lai.
Thông điệp đó được thể hiện rõ ràng nhất hôm 25/4, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố sau chuyến thăm bí mật đến thủ đô Kiev của Ukraine rằng "chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm được những việc như hiện nay trong chiến dịch tại Ukraine".
Một phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho hay bình luận của Bộ trưởng Austin phù hợp với những gì mà Mỹ đã cố gắng thực hiện suốt nhiều tháng qua là "biến chiến dịch quân sự ở Ukraine thành một thất bại chiến lược với Nga".
"Chúng tôi muốn Ukraine giành chiến thắng", người phát ngôn nói thêm. "Một trong những mục tiêu của chúng tôi là hạn chế khả năng Nga tiếp tục thực hiện những điều tương tự. Đó là lý do chúng tôi trang bị cho Ukraine vũ khí và thiết bị để tự vệ trước các cuộc tấn công của Nga. Đó cũng là lý do chúng tôi sử dụng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu nhắm trực tiếp vào ngành công nghiệp quốc phòng Nga, nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế và quân sự của Moskva".
Những tín hiệu thay đổi chiến lược ứng phó Nga ở Ukraine đã được Mỹ thể hiện trong vài tuần qua, khi phương Tây gạt bỏ lo ngại về nguy cơ đụng độ với Nga để chuyển giao các loại vũ khí hạng nặng đến Ukraine. Điều đó cũng phản ánh niềm tin của Mỹ và các đồng minh rằng Nga sẽ không thể đạt được mục tiêu trong chiến dịch quân sự của mình ở Ukraine, một quan chức Anh cho biết.
"Họ đã bị thiệt hại đáng kể về mặt quân sự", Bộ trưởng Austin nói trong chuyến thăm Ukraine. "Chúng tôi muốn nhìn thấy họ không thể bù đắp nhanh chóng những tổn thất đó".
Chính quyền Biden hiện lạc quan rằng đây là một mục tiêu có thể đạt được, CNN dẫn lời các nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay. Theo họ, nỗ lực tiếp tục hỗ trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine có thể làm suy giảm năng lực quân sự lâu dài của Nga, mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ.
Mỹ đã bắt đầu gửi đến Ukraine các khí tài lớn hơn, hiện đại hơn mà họ từng hạn chế cung cấp trong quá khứ, trong đó có 72 lựu pháo 155 mm và máy bay không người lái vũ trang Phoenix Ghost.
Dù Washington trước đây lo ngại việc gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine có thể bị Nga coi là hành vi khiêu khích, chính quyền Tổng thống Biden đã công bố hỗ trợ Ukraine số xe tăng, tên lửa và đạn dược mới trị giá hàng tỷ USD trong tháng qua, dấu hiệu cho thấy những lo ngại ban đầu về nguy cơ leo thang xung đột Mỹ - Nga đã giảm bớt.
Dù vậy, các quan chức Mỹ lưu ý rằng Washington và các đồng minh đang vô cùng cẩn trọng khi xem xét các biện pháp ứng phó và lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga, cả vì những thiệt hại ngoài dự kiến mà chúng có thể gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu và vì nguy cơ Nga đáp trả quyết liệt khi bị "dồn vào chân tường".
Moskva đã phản ứng gay gắt với các động thái mới của Washington. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm 25/4 cảnh báo những gói viện trợ vũ khí của Mỹ cho Urkraine là "không thể chấp nhận được" và sẽ làm tình hình thêm trầm trọng, gia tăng nguy cơ xung đột.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng chỉ trích NATO tiếp tục bơm vũ khí cho Ukraine và "tham gia chiến tranh chống Nga thông qua lực lượng ủy nhiệm", đồng thời cảnh báo hiểm họa bùng phát Thế chiến III và chiến tranh hạt nhân "là thực tế và rất nghiêm trọng".
Một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay Mỹ và đồng minh "chắc chắn đang phải cân nhắc hành động một cách cân bằng" khi trừng phạt Nga.
Người này nói thêm Mỹ vẫn đánh giá các lằn ranh đỏ của Tổng thống Putin về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân không thay đổi, và "một trong những lằn ranh đó là sự ổn định của chính quyền".
Giới quan sát cho rằng tuyên bố công khai về tham vọng "làm suy yếu" Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin không thực sự hữu ích, vì nó khiến nỗ lực hỗ trợ Ukraine của NATO giống như một "tính toán quyền lực".
Một quan chức Mỹ giấu tên sau đó tìm cách giải thích rằng mục đích của tuyên bố trên không phải để nói với người Nga rằng "trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Mỹ và NATO sẽ khiến các bạn phải suy yếu", mà là phương Tây sẽ tiếp tục trừng phạt Nga đến khi nào Moskva ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bản thân Tổng thống Biden cũng cho thấy ông đã thay đổi chiến lược, khi liên tục gia tăng luận điệu công kích nhằm vào Tổng thống Putin, bất chấp những mối lo ngại rằng chúng sẽ khiến Moskva đáp trả gay gắt hơn.
Câu hỏi đặt ra cho những thay đổi của Mỹ trong chiến lược ứng phó Nga liệu có thể phát huy tác dụng hay không. Mọi tổng thống Mỹ từ thời Harry Truman đều đã cố gắng gây áp lực lên Triều Tiên bằng các lệnh trừng phạt, nhưng đến nay, chúng vẫn không thể ngăn Bình Nhưỡng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình, David E. Sanger, bình luận viên kỳ cựu về an ninh quốc gia từ NY Times, đánh giá.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói 1.500 lệnh trừng phạt mà ông tung ra với Iran sẽ buộc họ phải ngồi vào bàn thương lượng, cầu xin một thỏa thuận. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Các trợ lý của Tổng thống Biden thừa nhận họ hiểu rằng chỉ các biện pháp trừng phạt không thể giúp Mỹ đạt được mục tiêu đề ra, mà cần phối hợp với gây áp lực quân sự lẫn ngoại giao.
"Mỹ đã gặp rất nhiều khó khăn khi áp dụng chiến lược đó với những quốc gia nhỏ hơn như Iran hay Triều Tiên. Đối với Nga, quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân đáng gờm, rủi ro còn lớn hơn gấp bội", Sanger cho hay.
Vũ Hoàng (Theo CNN, NYTimes)